Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Y-phục Xứng Kỳ-đức


 .
  Người ta có rất nhiều lí do để …mặc quần áo
Trong bản chất tính năng trang phục, quần áo bao phủ làn da mỏng manh của con người bằng một lớp chất liệu gia cố để hỗ trợ giữ thân nhiệt cho cơ thể, để bảo bọc, che chắn cho cơ quan xúc giác khỏi những thương tổn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài. 
e8a9
Rồi một vị tộc trưởng một bộ lạc nguyên thủy nào đó cậy khỏe, cậy tài săn thú mà được phần miếng vỏ cây, mảnh da thú dày nhất, to nhất. 
Các chiến binh đeo thêm vào người lủng củng chuông đá lục lạc đồng để gióng khua cho khiếp vía địch thủ, lại vẽ màu cắm lông khắp mặt, hình hài càng muôn phần bặm trợn cho dễ bề thị uy. 
Phụ nữ, thì không can dự vào phần thiên chức săn bắt hay bảo vệ - họ phải chửa đẻ, càng nhiều càng tốt (để dành đi săn bắt, đánh nhau và chửa đẻ về sau cho bộ lạc). Để thoả mãn thiên chức này, họ cần làm cho mình có bộ dạng thật ưa nhìn, bắt mắt, để dễ bề chiêu dụ đối tác đặng hoàn thiện thiên chức(!)
 Có lẽ các vị tổ tiên nữ của chúng ta đã nghiệm được rằng: người đàn bà trước và sau khi đeo hoa tai đều có khả năng sinh nở như nhau, nhưng người đàn bà có đôi hoa tai, và trên hết, là ý thức đeo đôi hoa tai ấy lại có tỉ lệ được hỗ trợ hoàn thiện chức năng cao hơn?  
Từ nhu cầu và động thái này mà thành khái niệm ngôn ngữ trang phục: tôi giàu, tôi khoẻ, tôi có quyền lực, tôi khả ái – thì tôi mặc như thế, hoặc ngược lại. Đến đây, ngoài chức năng cơ bản của trang phục, con người ta bắt đầu có khái niệm chọn lựa trang phục để chuyển tải thông điệp của bản thân. Và từ đấy, các nhà thiết kế, các hãng thời trang, đại diện quảng cáo và các người mẫu bắt đầu có công ăn việc làm và rất khá.
contemporary adNhững nhân vật ưu tú ăn bận đẹp nói trên, từ rày về sau được gọi là VIP, là yếu nhân, là người của công chúng. Họ là chính khách, doanh gia, các nhà văn hoá, nghệ sĩ,… Chả vì chỉ cậy mạnh (khối vị trong số này, nhất là nghệ sĩ, thì không to khoẻ như tổ tiên nguyên thủy của VIP), họ có tài năng, thành đạt, thông minh mẫn tiệp,… ở mức độ xuất chúng, trên mức bình thường nên mới được nhiều người biết đến, đặc biệt với sự có mặt của phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, càng khiến họ được biết đến nhiều hơn, không chỉ trong bộ tộc của mình mà vươn đến cả các bộ tộc (thời nay là quốc gia, lục địa,..) khác.
emperor family Các vị này, do tính trội bật của tài năng, cá tính và số phận nên cũng có những sở thích, quan niệm thẩm mỹ độc lập, đặc sắc và trội bật nên có được cho mình những gout ăn mặc cũng vô cùng trội bật, khác biệt. Mỗi người mỗi kiểu, họ là những trend-setters -  những hình mẫu về phong cách trong giới hay lãnh vực riêng của mình. Nhưng vẫn luôn có một điểm chung trong nguyên tắc phục trang của các yếu nhân đa dạng này. 
Như lời nói hay tiếng nói vậy. Nội dung điều muốn nói, thông điệp chuyển tải mang tính chủ quan, đó là điều chủ thể muốn thể hiện. Nhưng để thông điệp được tiếp nhận chuẩn xác và hiệu quả, người ta bắt đầu cân nhắc đến giọng nói và lời nói. Giọng phải dễ nghe, to nhỏ tuỳ hoàn cảnh không gian, giận thì gằn giọng, yêu thương thì ngân nga, thì thào, sì sụp,…rồi lời nói, người trên thì xưng “ông, bà, cô, chị,…”, kẻ dưới thì xưng “con, em, cháu…”, nói với kẻ hèn thì lời trịch thượng, với người sang thì từ ngữ trau chuốt văn hoa,…Và hẳn nhiên, nói với người Việt thì bằng tiếng Việt, với người Hoa thì chớ dùng tiếng xứ Angola. Điều này, ai cũng hiểu.
 Nói cho thích miệng mình, nói mà không ai nghe, là nói lảm nhảm với đầu gối.
Mặc cho sướng thân ta, mặc mà không ai coi, xem như là mặc nhảm vậy.
Nói, hay mặc, mà cân nhắc được đến độ này, ấy là xây dựng Giá-trị Nhận-dạng.
3_07_vietnamiennes
Cân nhắc lựa chọn tư phong, trang phục ở mức ấy, như thể là một môn nghệ thuật mà ở đó, hình ảnh cá nhân là tác phẩm, và con người ta là một nghệ sĩ: tác phẩm là hiện thân của tác giả. Tác phẩm thì có đẹp có xấu, cái coi thì hiểu, cái ngó vô thấy chướng. Mặc mà không ai coi, coi vô không biết ta thuộc loại người nào, là tác giả còn non tay, thiếu kinh nghiệm hoặc lập dị. Mặc mà cộng đồng xung quanh coi vô thấy cổ quái, xa lạ, còn nguy hiểm hơn nhiều, vì nó như ông Tây giữa xứ ta, nói chuyện không ai hiểu, nên mới có rào cản ngôn ngữ. Ở đây, đó là rào cản hình thức. Như thể đi cứu trợ từ thiện mà mặc áo dài dạ hội. Nếu chỉ vì tôi giàu, tôi đẹp, tôi quan trọng, tôi ưng bộ cánh nhà Cavalli dài quá xương chậu mà đi dự cuộc họp tổ dân phố bàn chuyện úy lạo chiến dịch phát quang diệt muỗi tại địa bàn dân cư, thì quả bậy bạ hết sức!
wth
 Hậu quả là bị cô lập, đào thải, hoặc thậm chí tẩy chay.
 Chuyện này không mới. Có ai chưa nghe câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”? Cà sa năm ba bảy loại, nhà giàu mặc gấm, nhà nghèo chỉ vải thô, phụ nữ có chít pence, thắt nơ, to béo thì may rộng, trời rét thì vải dày, trời oi bận vải mỏng…nhưng đã là đi với bụt, làm chi thì làm, ấy hẵng là cái cà sa. Không phải vì ta, mà vì bụt, và bụt là đối tượng của ta, đáng được cân nhắc lắm!

 Chắc không ai không nhớ bức ảnh tập thể đầy ấn tượng của các vị nguyên thủ quốc gia hồi hội nghị Apec tại Việt Nam (họ là yếu nhân cả đấy!) chụp chung, đạo mạo lịch thiệp, và tất cả đều vận áo dài khăn đóng. Họ ở nhà ta, họ mặc áo theo lối dân ta, khá khen cho người thiệp liệp giỏi giang, khéo theo thời theo thế mà ăn vận, đẹp lòng dân tình nước chủ nhà biết bao. Chả thế, họ mới là những yếu nhân đứng đầu các quốc gia.
Photobucket 
Photobucket Mà đâu chỉ các vị chính khách lão luyện chuyện uyên thâm mới ngộ được điều này. Thần đồng văn chương xứ cờ hoa mới 9 tuổi Adora Svitak cũng ngộ được mười mươi chân lý này. Vị đại sứ nhỏ này đã lưu lại trong lòng công chúng Việt hình ảnh của mình luôn trong bộ áo dài, khi thiên thanh, lúc xanh ngọc, với chuỗi ngọc trai thanh nhã quanh cổ, cô chinh phục trái tim công chúng ngay từ trước khi kịp mở miệng thi triển tài thuyết văn mạch lạc uyên bác so với tuổi. Mà chiếc áo dài ấy lại được may mới khéo, rõ là hợp với cô lắm, không chít pence nâng ngực tà dài kiểu người mẫu, nói chung, nó hoàn toàn hợp với tuổi cô, và công chúng của cô, môi trường quanh cô (khi ấy là Việt Nam). Cô nhỏ này, không chỉ nhờ cuốn Flying Fingers và tài năng văn học của mình mà sẽ còn thành công trong tương lai là còn nhờ vào bản lãnh ứng xử bằng ý thức xứng danh “người của công chúng” thực thụ.
 Chỉ hơi chạnh lòng một nỗi, trong các buổi giao lưu cùng bạn bè đồng tuế ở xứ Việt, hầu như Adora luôn là nhân vật duy nhất mặc chiếc áo dài trẻ em, học sinh nước ta mặc đồng phục theo kiểu Âu hoá với jupe xoè, quần Tây,…Thiếu nhi ta, trông thật năng động, hiện đại, trông Tây lắm!
(Đôi lời lạm bàn cùng quý vị độc giả nào đương giữ chức vụ nào đó trong ngành dạy trẻ: Nhà trường là nơi con người ta được giáo dục sao cho có văn hoá và ý thức rồi mới đến kiến thức và kỹ năng (tiên học lễ hậu học văn, phải không ạ?). Kính mong quý vị tận tình chỉ bảo các trò nhỏ nước nhà được dịp hội nhập với văn hoá mặc, văn hoá hành vi của tổ tiên nhà, bên cạnh ngoại ngữ và vi tính. Hoặc giả, những dịp được giao lưu cùng những vị khách như cháu Adora Svitak vậy chắc cũng có tác dụng làm gương, nhắc nhở và cảnh tĩnh. Cảnh tĩnh tự tôn và sĩ diện, rất tốt! Mong sẽ còn nhiều dịp như vậy!)
lady ad
 Đến đây, người viết - kẻ lẩm cẩm hoài cổ đang quấy quả quý vị lướt blog gia, lại muốn hầu tiếp qúy vị một câu chuyện (tôi hứa là không xưa bằng câu chuyện đã kể lúc đầu), đã được nhà thiết kế - họa sĩ Sĩ Hoàng kể cho nghe khi gặp ông thỉnh ý viết bài. Chuyện như vầy: ngày xưa, ông bà ta cũng cầu kì chuyện ăn bận lắm. Nhà giàu thì năm thân, mớ ba mớ bảy, dân dã thì tứ thân nâu sồng. Mà đã nghèo thì phải làm lụng vất vả, các bà các chị quang gánh quầy quả trên vai mãi, vải sờn và đương nhiên là rách vai. “Nghèo” mà không “thảm”, có “rách” cũng không được “nát”, không cam miếng vá đắp chằng đụp, mà chả đủ tiền mua vải may cả bộ cánh mới, các bà, các chị mua về vuông vải nhỏ mà may lại thân áo nối vào thay cho phần đã sờn rách. Từ đấy mà thành kiểu áo tứ thân đổi vai. Ngày nay ta vẫn thấy các đoàn văn công, các vũ đoàn minh hoạ mỗi khi bận tứ thân thường có hai mảnh áo trên hai màu sặc sỡ khác nhau. Ấy là kiểu tứ thân đổi vai ngày xưa mà thành. Dân ta sĩ diện lắm, ấy là danh dự của bản thân, của gia đình, dòng tộc,… Âu cũng là một cách mặc “vì người, xứng ta” vậy!
Thế mới tường chuyện vì sao chỉ quần quần áo áo mà thành một thứ văn hoá: văn hoá mặc!
teacher 
Phong-Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét