Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Đập Cổ Kính Ra Tìm Lấy Bóng


aodaibangoai1Lẩn thẩn ngược dòng thời gian mới thấy, xứ ta xưa nay danh tiếng giai nhân thời nào cũng có, từ bậc anh thư thời dựng nước như Dương Vân Nga – bà hoàng mà tâm hồn và nhan sắc đã chinh phục hai vị danh tướng, về sau cùng là hai vị vua. Hoặc như bậc thi sĩ văn nhân có tiếng nhan sắc lại đa tình như Hồ Xuân Hương, thời phong kiến, trót sanh ra làm phận nữ nhi mà cũng thuyền năm bảy bến, lại dập dìu văn nhân tài tử tới lui, xét ra nhan sắc cũng không phải hạng thường tình. Đáng tiếc thay, hình dung nhân dạng các vị này thuở ấy đến nay không có gì lưu giữ, nên vĩnh viễn thuộc về lòng yêu kính trong nhân gian mà đúc tượng vẽ tranh, chứ không ai tường tận nhan sắc các bà đến bực nào sánh với kì tài, danh tiếng.
Còn lưu giữ hình ảnh đến nay, duy chỉ còn Hoàng hậu Nam Phương. Xứng danh là một bà hoàng cuối cùng của Việt Nam, ngoài nhan sắc vừa cao quý sang cả vừa nhu thuận nền nã, đúng chuẩn mũi dọc dừa, cổ cao ba ngấn và khuôn diện đăng đối, là người theo Tây học, vừa rành ngoại ngữ, vừa khéo phục tòng nhẫn nhịn vị cựu hoàng phong nhã. Nhưng rồi tấm hồng nhan dòng dõi ấy cũng qua đời nơi viễn xứ, viên bảo ngọc cuối cùng của vương triều một quốc gia giờ chỉ còn một phiến đá sơ sài khắc dòng chữ ngoại bang ici repose l'impératrice d'annam née marie thérèse nguyen huu thi lan.
Photobucket

NHỮNG NHAN SẮC HUYỀN THOẠI.
Về sau, những huyền thoại nhan sắc đã làm nàng thơ của bao văn nhân thi sĩ, những cô đào, kỹ nữ nổi tiếng, những người tiên phong cho trào lưu thẩm mỹ một thời trong nữ giới Việt Nam như cô ba Trà, mệnh danh bà hoàng vũ trường, sòng bài Saigon hồi cuối thế kỷ 19. Theo những ghi chép lại của nhà Sài-gòn học Vương Hồng Sển, cuốn Sài-gòn Tạp-pí-lù, thì người này chính là giai nhân đã khuynh đảo mà thành cuộc chiến bất phân thắng bại giữa Bạch Công tử và Hắc Công tử, về sau thành huyền thoại đặc trưng Nam bộ của Công tử Bạc Liêu, đốt tiền soi lối cho người đẹp. Cô cũng một thời là người trong mộng của tác giả Vương Hồng Sển. Quả tình, sức quyết rũ của Cô Ba Trà phải mạnh mẽ mê hoặc lắm, mới khuynh đảo bao nam nhân lẫy lừng cùng thời, từ những vị thiếu gia miệt tỉnh, đến các quý ông học vị học hàm thành thị, cho chí văn nhân đa tình như văn sĩ họ Vương. Nhưng mạn phép thầy Vương Hồng Sển mà nói, thì như Cô Ba Trà đây, dẫu kiều mị cỡ nào, cũng không thoát cái tiếng thường tình nữ nhi mà để đời xô đẩy, về sau cũng vì chuộng sân si phù phiếm mà dựa vào đàn ông mà thành danh, gọi là cái tài rù quến đàn ông, vậy thử hỏi, không có đàn ông, liệu Cô Ba Trà còn tài cán chi lưu danh cùng nữ nhi hậu thế? Vậy, xét ra, nhan sắc lẫy lừng nọ cũng còn chưa đủ để phác nên nét mặt đàn bà nước Nam. Vả chăng, dẫu cô Ba Trần Ngọc Trà danh sắc lẫy lừng là vậy, đến nay dường như tư liệu hình ảnh về cô cũng tìm không thấy có.
Sở dĩ phải gọi đầy đủ là Cô Ba Trà như vậy, là để phân biệt với Cô Ba có hình trên hộp xà-bông của hãng Xà-bông Việt-nam đầu thế kỷ 20, từng là hoa khôi chính thức (tức là có giải, có giám khảo chấm bầu hẳn hòi). May thay, hình ảnh về cô nay vẫn còn phổ biến nhất là tấm hình chân dung trên hộp xà-bông, vốn của ông Trương Văn Bền, đặt tên là hàng Xà-bông Việt-nam, nhưng sản phẩm in hình cô, về sau mặc tình lấy tên người đẹp trong hình mà gọi, thành ra cái tên Xà-bông Cô Ba đến này vẫn còn nằm trong tiềm thức của người Sài-gòn. Nhắc đến đây, phải nói là nếu ngành người mẫu Việt Nam có tổ nghiệp riêng thì đó ắt phải là Cô Ba. Cùng với hình ảnh và danh thơm của mình, hãng xà-bông của ông Trương Văn Bền đã là sản phẩm nội địa đầu tiên của doanh giới Việt Nam thách thức tên tuổi đại gia là hãng xà-bông Marseille trứ danh của người Pháp, vốn trước đó vẫn độc quyền thao túng thị trường bản xứ, đúng là xứng đáng rạng danh cho cả thương nhân lẫn người đẹp Việt Nam thời đó.
Photobucket
Theo tư liệu ghi lại, dung mạo Cô Ba được mô tả như sau: “Trong giới huê khôi, nghe nhắc lại, trước kia, hồi Tây mới đến có cô Ba, con gái thầy thông Chánh là đẹp không ai bì, đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực keo su nhơn tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì son phấn giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà Thơ Dây Thép (Bưu điện)” (Sài-gòn Năm Xưa, Vương Hồng Sển), mới nghe đã thấy mồn một vẻ khả ái thanh tao lại chừng mực, đoan trang. Cô Ba lập gia đình và sống một cuộc sống bình thường.
Photobucket

Chỉ về sau, có tư liệu cho rằng cô Ba là "người đã dám cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin, bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19.6.1893 và bị xử tử ngày 18.1.1894 tại Trà Vinh” (Hỏi đáp về Saigon-Tp.Hồ chí Minh, nhiều tác giả, NXB Trẻ, tháng 06 2006). Chuyện này cũng là ước chừng nghe vậy, chưa có bằng cớ xác thực. Cũng biết đâu chừng, phàm thói người hễ là bậc giai nhân tiếng tăm lẫy lững, phải có chút tiểu tiết ba đào mới vừa bụng?
Photobucket

Ngoài ra, cùng thời với Cô Ba “Xà-bông” và Cô Ba Trà còn có rất nhiều redhuyền thoại về những nhan sắc Sài-gòn thời ấy, nhưng vẫn hầu hết vẫn là những giai thoại truyền khẩu, qua mỗi miệng kể lại càng thêm phần ma mị, huyễn hoặc, khó phân biệt thực hư. Như chuyện ái nữ của Chú Hỏa – đại hào phú trứ danh của Chợ Lớn, cùng kết cục bi đát do mắc bệnh phong cùi hay tâm thần chi đó mà chết trẻ, hay chuyện cô Marriane Nhị (Tư Nhị), có thời theo chân Yvette Trần Ngọc Trà, khuynh đảo bao thiếu gia hiếu sắc, tưởng sẽ hưởng buổi mãn khai trong nhung lụa, nhưng về sau, lần cuối cùng được nhìn thấy đã thành người đàn bà hành khất, kéo lê cuộc sống thương tật trên hè phố Sài-thành,…
Độ giữa thế kỷ 20, tên tuổi các người đẹp Sài-gòn phồn hoa trở nên phong phú hơn bao giờ hết. Hầu hết là hàng minh tinh cinema, đào tuồng, giới ca sĩ, vũ nữ phòng trà, kể cả chính giới…
Một trong những dung nhan khuynh đảo chính trị thời này phải kể đến bà đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân. Bản lãnh, sắc sảo và đa tình, cũng là người khởi xướng mốt áo dài cổ thuyền (sau này gọi là áo dài Trần Lệ Xuân) thêu cây trúc quân tử lộn ngược một cách ngạo nghễ. Bà ngạo mạn tự ví mình với Marie Antoinette, với Trưng Vương đâm ra làm lắm chuyện vừa xấc xược thuần phong, vừa ngô nghê nực cười, khiến về sau, khi đã lưu vong tha hương, còn chăng trong dòng sử sắc đẹp chỉ một nét ố. Tiếc thay cho tấm hồng nhan, ghê gớm thay cho phận đàn bà cuồng vĩ.
Photobucket
Photobucket
Thời may, thập niên 70 còn có hai tên tuổi trứ danh nhất là nữ minh tinh màn bạc Thẩm Thúy Hằng và cố nghệ sĩ cải lương Thanh Nga.  
PhotobucketPhotobucket
Thẩm Thúy Hằng, được mệnh danh “Người đẹp Bình Dương” theo một phim nổi tiếng do cô thủ diễn. Khi nhan sắc mới được phát hiện, cô đẹp mơn mởn thanh xuân, khi đã nổi danh, những mong níu kéo lòng yêu mến của dân mộ điệu, lại nhờ thuật “gia cố” của phẫu thuật thẩm mỹ, trông lại càng vô cùng lộng lẫy. Cô đã từng hai lần đoạt giải Nữ Minh tinh Xuất sắc Á Châu tại Liên hoan Phim Đài Bắc, hai lần Ảnh hậu Á châu, danh hiệu Nữ Diễn viên Khả ái Nhất tại Liên bang Xô viết. Về sau trong dân gian, có nghe mấy câu vè ngộ nghĩnh rằng :
Nếu biết rằng em đã lấy chồng
Anh về lấy vợ, thế là xong.
Vợ anh chẳng đẹp bằng em mấy,
Chỉ đẹp xêm xêm…Thẩm Thúy Hằng
Vậy mới biết nhan sắc cô Thẩm này ngày xưa đã mặc nhiên được công nhận mà không cần trải qua sự kiểm duyệt của bất cứ ban giám khảo hoa hậu nào. Chỉ tiếc rằng, về sau, nhan sắc bị hủy hoại bởi hóa chất thẩm mỹ, công chúng ái mộ không còn được chiêm ngưỡng đóa hương sắc một thời ấy. Cô từ chối mọi cuộc tiếp xúc với công chúng, nghiên cứu Thiền học, chay trường và rất hiếm khi ra ngoài. Gần đây, lại thấy cô xuất hiện trên văn đàn với những kịch bản sân khấu và điện ảnh, như một cách tìm về với khán giả tri âm. Chỉ đến khi Thẩm Thúy Hằng đã rút về ở ẩn, ăn chay trường, người ta mới quên đi vẻ thiên kiều bá mị mà nhìn nhận ra tâm hồn và tài năng của người đẹp, hay phải chăng, đây mới là cái buổi mà nhan sắc tâm hồn đã tới kỳ viên mãn. Không khỏi ray rứt lòng người mộ điệu, trách cho oái oăm oan nghiệt của hồng nhan, lại càng trách cho nhan sắc mặn mòi thanh xuân là vậy, giá chi đừng nông nổi tham lam níu kéo, đã không nên đời bạc phận.
Cho đến tận ngày nay, lịch sử nhan sắc Việt Nam vẫn chưa lặp lại một tên tuổi nào có sức ảnh hưởng sâu rộng đến vậy. 
Cùng thời với nghệ sĩ ưu tú Thẩm Thúy Hằng là tên tuổi của người được mệnh danh là “bà hoàng sân khấu” của miền Nam trước và cả sau 1975 – nghệ sĩ nhân dân Thanh Nga. Mái tóc mây dài và khuôn mặt trái xoan chuẩn mực, có thể ví cô với một dung nhan đăng đối, quý phái kiểu Audrey Hepburn của Hollywood vậy. Nghệ sĩ Thanh Nga có thể được xem là một tên tuổi được yêu mến nhất của nghệ thuật cải lương cho đến tận bây giờ, phải chăng, một phần cũng vì phát súng oan nghiệt đã chấm dứt cuộc đời cô khi tài, danh, và sắc đẹp đang ở đỉnh điểm, để lại phía sau không chỉ một huyền thoại về thanh sắc độc nhất vô nhị, mà còn là lòng yêu mến ngưỡng mộ cho đến tận bây giờ.
Photobucket
 “ẢNH HẬU NHÂN DÂN” VÀ DANH HIỆU HOA KHÔI
Về sau, có lẽ chỉ với sự xuất hiện của nữ nghệ sĩ Diễm My, thì công chúng Việt Nam mới được một lần nữa nhìn ngắm nhan sắc kinh điển quý phái và mái tóc dài tương tự như vãn ảnh của cố nghệ sĩ Thanh Nga, tuy với đôi mắt sâu và sống mũi rất “Tây”. Tên tuổi rực rỡ nhất vào những năm 80 thế kỷ 20, khi mà nghề người mẫu còn vô cùng xa lạ tại Việt Nam, nghệ sĩ Diễm My đã tình cờ đi vào lòng công chúng không phải qua lãnh vực tân kịch hay điện ảnh mà là qua chính hình ảnh của mình, đặc biệt là qua ống kính phát hiện của nhiếp ảnh gia Nguyễn Kỳ. Cũng một phần với sự phát triển vượt trội về in ấn và xuất bản trong thành phố Hồ Chí Minh mà lịch và hình ảnh Diễm My cũng được tiêu thụ rộng rãi tại thị trường phía Bắc. Trong rất nhiều năm liên tiếp, hình ảnh của cô trên tờ lịch xuân mỗi năm đã trở thành một thước đo chuẩn mực về tiêu chuẩn cái đẹp lí tưởng, và cũng do đó, người đẹp Diễm My vẫn được phong danh hiệu Ảnh Hậu Nhân Dân (Hoa hậu chụp ảnh đẹp do …nhân dân bình chọn) giữ ngôi lâu bền nhất. Đến nay, tuy đã vào độ tuổi trung niên, Diễm My vẫn gìn giữ được vẻ đẹp vừa đài các, vừa thanh tân tươi tắn của hơn hai mươi năm về trước. Nói một cách khác, nhan sắc của “ảnh hậu miền Nam” Diễm My quả là hậu duệ xứng đáng của hương bóng tên tuổi Cô Ba hãng xà bông Trương Văn Bền ngày xưa.
Cũng từ cột mốc sắc đẹp và sự nổi tiếng của Diễm My, nghề người mẫu thời trang, các cuộc thi hoa hậu, hoa khôi cũng khởi sự rầm rộ tổ chức. Nối chân người đẹp Diễm My trải dài cho đến tận nay là muôn vàn những tên tuổi người đẹp mới xuất hiện: Kiều Khanh, Lý Mỹ Dung, Việt Trinh, Lý Thu Thảo,…
Photobucket
Đến những năm gần đây, người đẹp xuất hiện càng đông, đáng tiếc là không ít trong số này do trời phú chút dung nhan nhưng vụng đường giáo dưỡng mà nhẹ dạ gây không ít chuyện tai tiếng ê chệ, tiếng gọi “người đẹp” ngày nay cũng nhuốm ít nhiều ý mỉa mai chế giễu. Thêm phần, hầu như tiêu chuẩn “danh hiệu” đã trở thành điều tất yếu để công nhận người đẹp, nên mới có lắm cuộc vui gọi là thi xem ai đẹp nhất, mà nhiều người muốn đẹp nhất quá nên mới phải có càng nhiều cuộc thi, người đạt vương miện không gây nức lòng ngưỡng mộ, thậm chí không ít chuyện tiếu lâm về hoa khôi, hoa hậu ứng xử ngô nghê, nhân cách mù mờ, sinh ra lòng ngờ vực trong công chúng. Phàm đã quý phải hiếm, thứ chi nhiều nhan nhản cũng không thể trách lòng người hồ nghi. Hoa quý cũng chỉ một đóa trên cành, có đâu cả vườn hoa nhạt trồng vụng nở vội, hữu sắc mà hiếm hương, may chăng dùng làm phông nền chụp hình ngoại cảnh cho vui mắt thì được.
Sài-gòn như một người đẹp đeo quá nhiều nữ trang nên riết rồi công chúng không biết nên nhìn vào món nào mà trầm trồ ngưỡng mộ. Và rồi, thặng dư người đẹp mà đâm chóng chán, như thể mấy món đồ mỹ kí chóng bay màu nên thay đổi xoành xoạch, có đẹp, có long lanh, nhưng không phải hàng giá trị của món gia bảo quý giá, không chỉ vì kiểu cọ rồng phượng cầu kì hay cao giá bạc vạn, mà còn là bởi cái hồn ẩn chứa đằng sau, bởi cả cái độ bền bỉ của nước ngọc cùng tuế nguyệt thời gian, là nét trổ công phu tinh xảo, và đẹp chăng, giá trị chăng, ấy cũng là ở lòng người lấy làm quý, làm yêu mà giữ gìn nâng niu.
Hoa hậu hay hoa khôi, trộm nghĩ, thật chân ra, chỉ hậu duệ mới có quyền phán xét liệu chăng nét duyên có phải tận chân một chữ Mỹ mà tăng thêm giá trị về sau. Chứ là kẻ cùng thời, nhìn cũng chỉ biết đẹp, sao đoán được liệu sắc có còn đậm, hương có còn nồng ? Cũng một bề nhan sắc, thử hỏi có bao nhiêu tấm hồng nhan trở thành huyền thoại? Có chăng lúc này, cũng đáng cho kẻ đem lòng si mê cái sự đẹp nghiêng mình ghi tạ chút sắc hương những cánh hoa đời.sg17
(do giới hạn của bài viết mà không tiện đề cập đến còn nhiều, rất nhiều bậc tuyệt sắc Sài-gòn trước đây, ắt không khỏi làm thất vọng lòng người ham mộ các giai nhân này. Bản thân người viết áy náy vô cùng, khi chưa có dịp nhắc đến nhan sắc madame Kỳ, nữ hoàng lệ vàng Thanh Thúy, hay minh tinh Kim Vui. Đành đắc lỗi hẹn dịp khác.)

1 nhận xét: