Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

người ta không sinh ra là đàn bà...


846040
Người ta không sinh ra là đàn bà, bởi đàn bà phải do trang điểm mà thành.
Đối với nhiều người, cái thời khắc cô gái nhỏ trở thành phụ nữ có lẽ được tính từ khi cái thiên chức làm đẹp nó thức dậy, chòi đạp và đòi được thò tay nghịch trộm thỏi son của mẹ.
Là phụ nữ, mấy ai không nhớ cái lần đầu háo hức vụng trộm chuyện phấn son. Ngỡ sẽ tìm thấy trong gương một hình ảnh hào nhoáng xa lạ, để thảng thốt khi lần đầu nhận ra chính mình vừa được khai sanh.
Thế là người đàn bà được sinh ra. 
Ấy chỉ là cái việc cường điệu, tô vẽ thêm cho cái nét thiên phú bẩm sinh. Chỉ là chuyện chấm phá thêm thắt cho chút đuôi mắt, khóe môi trên vóc diện sẵn có. Kẻ đối diện ngắm đã đành mãn nhãn, lòng lại thơ thới biết rằng người đẹp đã có lòng trau chuốt sửa soạn, chắc cũng có ý trọng thị. Vậy nên thời trước, các cô tân thời, mặt hoa da phấn hay được gọi là “lịch sự”.
Trang điểm đâu chỉ còn là chuyện làm duyên nữ nhi thường tình, mà thành cái lối ăn nếp ở, thành nết lịch thiệp, nét duyên của người thấu chuyện ứng xử xã giao. Do đó, ngẫm lại, cung cách trang điểm cũng là dấu hiệu của văn minh.
Nhưng, cũng như mọi sự ở đời, than ôi, cái sự điểm trang vốn dĩ của nữ giới nên cũng như họ vậy, phải đâu chuyện giản đơn như cái ý nghĩa chân thật của nó mà người ta vẫn tưởng. 
TỪ PHÉP NGỤY TRANG CỦA BINH THUẬT…
Bàn đến đây lại phải vòng quay về khởi sự của thủy tổ các loại mỹ phẩm trang điểm. Xưa kia, oái oăm thay, chính nam giới là những người đầu tiên sử dụng mỹ phẩm, nhưng với mục đích hoàn toàn khác. Các chiến binh ra trận, vẽ màu quằn quện lên mặt là để thêm phần bặm trợn, dễ bề trấn áp tinh thần kẻ thù, hay để dễ lẫn vào đám rậm mà ẩn mình, gọi là ngụy trang. Thời nay, cái căn nguyên kia vẫn còn tiềm ẩn sau mỗi lớp phấn điểm trang.
Không chỉ trang điểm để tăng sức chinh phục, để tự bảo vệ mình khỏi nắng nôi, khói bụi, đôi khi, trang điểm cũng là lớp ngụy trang trốn khỏi thời gian, che khuất nét u uẩn mỏi mòn của một ngày, một đời hỉ nộ.
Nếu ngày xưa, lớp màu ngụy trang vằn vện khiến người chiến binh ngó thấy mình hung tợn quá đỗi mà cũng say máu hung hăng ra đòn, khiến kẻ thù hoảng quá mà chịu khuất phục, thì phụ nữ cũng vậy. Bước ra đường son phấn chỉn chu, sắc diện tươi tắn, lòng nhủ lòng rằng mình đẹp thì khắc diện mạo càng rõ vẻ kiên hãnh tự tin, điệu bộ ắt trở nên nhặt khoan tao nhã. Trang điểm quá tay thì tự nhiên hành xử cũng có chiều nanh nọc, lẳng lơ, hay rủi gặp khi chểnh mảng phấn son, xiêm y luộm thuộm, sẽ tự thấy nản lòng, uể oải mà mất hết vẻ tinh anh trong diện mạo. Bởi vậy nên, quý ông chớ trách bà nhà khi dùng dằng tốn công phu tô lục chuốt hồng, mà nên tỏ ra hiểu biết và trân trọng giây phút chuẩn bị diện mạo của họ, vì đấy không chỉ là chuyện phù phiếm của dung nhan. 
…ĐẾN NGHỆ THUẬT HÓA TRANG CỦA KỊCH THUẬT
Xưa kia, ngôn ngữ thể hiện của trang điểm chỉ thể hiện qua chuyện đào kép vẽ mặt đóng tuồng, với những ngôn ngữ hình ảnh và màu sắc được ước lệ rõ rệt. Trung thần mặt đỏ, gian thần mặt trắng ngó vô thấy rõ vẻ khiếp nhược, đớn hèn, chẳng hạn. Bậc mẫu nghi thiên hạ thường bôi mặt trắng như tượng, mắt phượng mày ngài, theo lối khuôn mặt Phật bà trong tranh, trông càng muôn phần thoát tục, uy nghi. Chỉ hạng đào lẳng thì mới môi đỏ má hồng dễ bề lúng liếng đong đưa. Kịch sĩ bước ra sân khấu là khán giả đã rõ tông tích nhân vật, thiện tà chánh phụ ra sao. Ấy là trang điểm ở hàng nghệ thuật hoá trang. Tuy cường điệu hóa, nhưng nhất thống trung thành với nhân vật ẩn đằng sau lớp trang điểm.
Khi phụ nữ khám phá ra rằng họ có thể khiến đôi mắt một mí trở nên to hơn, đôi môi dày thành ra nhỏ xíu, chúm chím, trong khi khuôn miệng nhỏ cũng thành cặp môi dày mọng gợi tình, và làn da bị tàn phá lại thành tấm lụa nõn không tì vết. Người ta không còn chỉ cậy vào trang điểm mà biến đổi đường nét, mà cũng chỉ phấn sáp thường tình, người ta còn có thể thay đổi cả số phận, tính cách, hoặc thậm chí nhân cách. Nghệ thuật trang điểm giờ đây đã có thể cho ta hườm hườm nét mỹ nữ xứ củ sâm hay giai nhân Hướng-Cỏn. Hoặc giả, quý bà chớm buổi hoàng hôn nhan sắc, trang điểm cũng giúp hóa trang cho nét hao mòn tuổi tác cũng thành vẻ tươi tắn xuân thì. Ngược lại, từ cô thiếu nữ thanh tân, chỉ vài lượt dồi phấn thoa son cũng trông ra chiều sành sõi hào hoa.
Ấy nhưng phải chăng, chính sự chọn lựa của nhân cách sẽ điều khiển bàn tay tô điểm phấn son. Cuộc bàn luận về việc liệu tính cánh chi phối phong cách trang điểm hay chính lớp hóa trang tác động đến hành vi có thể kéo dài vô tận, nhưng hề gì, nếu người ta vẫn có thể nhận diện được tâm hồn nằm đằng sau lớp mặt nạ mĩ miều. 
Vậy hóa trang chăng nữa cũng chỉ là một lối tự kỉ ám thị đẹp mắt, và ngụy trang là một chiêu tâm lí chiến có hiệu quả chinh phục diệu kỳ.
...RỒI HOÀNG HÔN CŨNG ĐẾN, VỚI CẢ NHAN SẮC LÚC BÌNH MINH.
Chuyện trang điểm thường tình thì cũng chỉ để trau chuốt thêm nhân diện, pha phối chút vẻ điệu đàng khả ái cho mình, cho người, để được nhận dạng giữa muôn vạn mặt mộc mày trần. Như thể một diễn viên may mắn chọn đúng vai đo ni đóng giày cho mình vậy. Nhưng một khi coi chuyện trang điểm thành nghệ thuật hóa trang, hóa thân vào một nhân vật không tưởng tượng, xem khuôn diện thiên phú như thể miếng vải toan, tờ giấy trắng hòng vẽ vời lên đó một khuôn mặt mới, khéo léo đánh lừa thị giác người nhìn, và đánh lừa cảm giác của chính mình, kể cũng là cái thú. Như thể trong một vũ hội hóa trang vậy, khi người ta tự cho phép mình sắm thử vai ông hoàng bà chúa xênh xang, thử nhìn cuộc đời qua hai tròng rỗng của cái mặt nạ phấn sáp, người ta ắt sẽ thấy thật an toàn ẩn mình sau lớp bọc hào nhoáng, sau một khuôn mặt mỹ miều xa lạ và đầy quyền lực.
Chỉ ngặt nỗi, e rằng khi tiệc tàn ly cốc đổ, cái lúc mà ánh mặt trời đầu tiên rọi vào ê chệ của sự thật phấn hương rệu rã, người đàn bà nhìn vào chính mình trong gương không phấn sáp, sẽ thấy khó sống với chính mình hơn một chút. Tàn cuộc hương lửa, khi ái tình thức dậy kèm nhèm đến thật thà, từ phút đầu mặc cho người phối ngẫu phải ngắm vẻ mỏi mòn, những tì vết của thời gian trên nền da mộc đã tới hồi trễ nải phấn son, thi vị cũng chả còn để công phu chuốt lục tô hồng, ấy cũng là khi cái tương kính như tân đã nhuốm màu suồng sã. Đến lúc này mới thấu lẽ phù du của cuộc vui mong manh biết mấy. Nhưng đó là chuyện cô đào vụng đường tô vẽ, những ngỡ kịch đã buông màn nên không ca trọn câu Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Một nghệ sĩ điêu luyện bậc thầy sẽ lẫy lừng đến phút cuối, ngay cả khi còn lại một khán giả cuối cùng, để khi màn nhung cuộc vui khép sớm, còn có kẻ nuối tiếc bóng vàng son. Có đâu ê chề sụp đổ nhìn cảnh bà hoàng sân khấu thoắt đã nhợt nhạt phấn son, xiêm y chểnh mảng mà phụ bao công phu dồi phấn thoa son. 
Mỗi ngày như vậy, người đàn bà chọn vai diễn của mình, bước ra khỏi cửa như một nữ kịch sĩ bước vào vùng sáng sân khấu của một đại hí viện khổng lồ của nhân loại.

Và trước khi âm nhạc được tấu lên, trước khi kịp mắn màn múa may ra bộ tài tình, chỉ riêng diện mạo huy hoàng ấy đã xứng đáng được tưởng thưởng tung hô, hơn trăm lần một tấn trò hay mà hữu thanh vô sắc.
Hãy để những giọng thoại hay mà vụng về chỉn chu dung mạo cho đài phát thanh.
Và hãy để những đóa hoa nồng hương mà không màu không sắc lại cho người không may khiếm thị.

1 nhận xét: