Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Nathan Lee - Memoirs of a Male Model



Bắt đầu nghề người mẫu một cách hoàn toàn tình cờ vào lúc 17 tuổi, không trải qua đào tạo, không có một con đường chuẩn bị tư tưởng hay chuyên môn, tất cả những gì tôi ý thức được vào khi ấy chỉ đơn giản một điều – lòng tự trọng. Bạn có thể gọi nó dưới bất cứ cái tên nào khác: hãnh tiến, tự tôn,…nhưng dù dưới bất cứ hình thức gì, đó đã là động cơ đầu tiên và cho suốt đến tận bây giờ trong mọi lãnh vực mà tôi có “can dự”. Giản dị nhất, tôi đã làm người mẫu vì khi người ta 17 tuổi và ở châu Âu, nghề người mẫu đồng nghĩa với thu nhập. Vâng, thu nhập lớn đến với tôi quá dễ dàng. Quả tình, để đánh đổi, tôi phải đương đầu với áp lực rất cao, nhưng phần thưởng vật chất của nó thật dồi dào, và tôi lại không phải là người hay nói rằng mình không thích tiền. Sống tự lập, thu nhập ổn định và làm một nghề thật thú vị, tôi không thể đòi hỏi hơn thế nữa.
Thật khó hiểu với tôi khi người ta ngày nay hay lạm dụng từ “đam mê” khi nói đến nghề người mẫu. Người ta có thể “đam mê” cảm giác là mình đẹp, “đam mê” sự nổi tiếng và yêu chiều của xã hội dành cho một người mẫu, “đam mê” cái hào quang hình thức của “cái tiếng là người mẫu”, nhưng người ta không thể đơn thuần “đam mê” nghề người mẫu. Nghĩ xem, bạn chờ đại diện thông báo thông tin khách hàng,chạy go see (đi đến các buổi thử việc với khách hàng) cả ngày, nếu có việc, bạn phải cấp tập có mặt nháo nhào trang điểm và trang phục, xuất hiện chóng vánh trên catwalk, và lại cấp tập thay trang phục,…xen kẽ là áp lực tập luyện, giữ gìn thể hình đến mức khắc nghiệt, và mỗi ngày, có hàng trăm, hàng ngàn người mẫu khác, mới hơn, trẻ hơn, gia nhập thị trường, đẩy bạn vào một guồng quay chóng mặt và cũng rất bạc bẽo. Đam mê, hãy để dành từ đó cho đến khi bạn thật sự hiểu về nó.
Tôi không dễ tin khi các người mẫu trẻ nói với tôi rằng các bạn “đam mê” nghề người mẫu, hãy thẳng thắn – bạn “đam mê” việc mình trở thành một người mẫu và những gì nằm ngoài chuyên môn mà nó mang lại: sự nổi tiếng, các mối quan hệ, các cơ hội và việc lòng thị dục huyễn ngã được vuốt ve. Và một khi đã thẳng thắn được với nó, hãy làm việc, hãy xuất hiện với tất cả lòng tự trọng và hãnh tiến tại các buổi diễn tập, chụp thử, trên catwalk hay trước ống kính.
ĐẰNG SAU THỜI KỲ TƯƠI ĐẸP LÀ NHỮNG SỰ KHƯỚC TỪ NGHIỆT NGÃ
Nathan_Lee_3
Khác với môi trường người mẫu tại Âu châu, công việc người mẫu tại Việt nam hiện nay vẫn chưa mang lại thu nhập đáng kể cho các người mẫu. Có lẽ đó chính là nguyên nhân tác động đến áp lực cạnh tranh của nghề, và cũng là sự phát triển chuyên môn và công nghệ của người mẫu tại Việt nam. Nhưng trên cả thu nhập, đối với tôi khi ấy, và đối với cả những người mẫu ở Việt nam hiện nay, đó là những cơ hội mà nghề người mẫu mở ra trước mắt bạn. Bạn được gặp những con người thú vị hay nhạt nhẽo, sâu sắc hay phù phiếm,…bạn có cơ hội đi du lịch khắp nơi, đặt chân đến mọi đô thị phồn hoa nhất của hành tinh, và mọi nơi bạn đến, bất kể ngôn ngữ hay nền văn hóa, bạn tiếp tục được đón tiếp và ưu đãi với tư cách là một người mẫu. “Người mẫu” – tên gọi như một cái thẻ thành viên vạn năng khiến bạn ngay lập tức được chấp nhận, thậm chí như một yếu nhân hầu như mọi nơi bạn đặt chân đến.
Vâng, đó cũng đã là một khoảng thời gian tươi đẹp, đáng nhớ. Nhưng ngay sau khi tiếp cận với khoảng thời gian đầu tiên đầy thú vị và hứa hẹn ấy, là cảm giác của lần đầu tiên bị khách hàng khước từ. Không tế nhị như ở Việt nam, các nhà thiết kế, hãng thời trang hay khách hàng quảng cáo sẽ từ chối một cách thẳng thừng khi một người mẫu không đáp ứng đúng yêu cầu của họ, và đôi khi, đầy tính cá nhân. May mắn cho tôi khi ấy, do là người mẫu châu Á duy nhất tại thị trường người mẫu chuyên nghiệp Paris, nên ít khi gặp phải sự khước từ thẳng thừng và rất thường xuyên mang màu sắc bỉ bai như vậy. Nhưng tôi cũng đã từng chứng kiến các đồng nghiệp, nhất là nữ, phát khóc lên khi bị bình phẩm và từ chối. Thật không dễ khi bạn chỉ mới mười mấy tuổi, hôm trước bạn còn là một “người mẫu” bằng mọi nghĩa hay ho của từ này, hôm sau, bạn nhận ra rằng mình xấu, mình thấp, mình kém cỏi, thậm chí là “khủng khiếp” theo cách phản ứng của khách hàng.
Trở lại câu chuyện của Siêu Mẫu Việt Nam, tôi hiểu rằng đằng sau danh hiệu và pháo hoa, các em sẽ hầu như ngay lập tức đương đầu với mọi luồng dư luận khen chê, mà với xu hướng viết “hot” như hiện nay, ắt hẳn “chê” không hề ít so với “khen”. Các em sẽ ngay lập tức trở thành cái bia vô tội cho mọi sự bình luận, săm soi và đôi khi cả xúc phạm của công luận. Các nhà báo nghiêm túc sẽ phỏng vấn và quan sát em như những giám khảo khắt khe nhất, môi trường viết tự do (như các blog chẳng hạn) sẽ mở cửa để ghi nhận và phát tán cả những lời miệt thị từ những người mà chỉ một ngày trước đó, nếu em ngã trên đường, họ sẽ dừng lại hỏi thăm, giúp đỡ như những người xa lạ thân thiện. Em sẽ đối mặt ra sao?
 HÌNH THỂ - LỢI THẾ HAY CẠM BẪY?
Tuy nhiên phản ứng từ chối, chê bai ấy không phải là áp lực lớn nhất của một người mẫu quốc tế. Cũng không phải cạnh tranh giữa đồng nghiệp, tai nạn hậu đài theo kiểu ta vẫn nghĩ về nghề người mẫu tại Việt nam. Áp lực đối đầu lớn nhất của một người mẫu quốc tế (NMQT) lại chính là với người đại diện của mình, được gọi là những booker. Thật may mắn nếu chúng tôi có được những booker, hầu hết là các cựu người mẫu, biết thông cảm và thật sự dìu dắt, hỗ trợ cho mình. Nhưng thường xuyên hơn, là các vụ chơi khăm, là việc ém nhẹm hồ sơ của người mẫu mình không ưa trước khách hàng, và nặng nề nhất, là khi họ liên tục tạo áp lực về tiêu chuẩn ngoại hình của người mẫu. “Bạn không có job mùa này vì bạn béo quá! Hãy giảm cân nếu bạn muốn lọt vào hợp đồng sắp tới!” là câu mà ngay cả những người mẫu gầy đến bất thường luôn phải nghe. Để đối mặt với áp lực ấy, các bạn của tôi và chính tôi đã phải khép mình vào một kỷ luật chăm sóc ngoại hình và cân nặng khắc nghiệt không kém các vận động viên phải ép cân. Chúng tôi tránh thức khuya để bảo vệ da, tập luyện với cường độ cao với những bữa ăn đôi khi chỉ là một ly nước hay một quả táo. Tệ hại hơn nữa là nạn các người mẫu lao vào bất cứ việc gì để giảm cân, và ma túy là giải pháp rất phổ biến khi ấy. Tôi thường xuyên phải nghe tin một đồng nghiệp nào đó vừa gia nhập vào “đội quân các con nghiện” hoặc thậm chí vào viện vì quá liều. Những lần đầu còn shock, dần dà về sau, cảm giác chỉ còn là “Vậy ư? Vậy lại thêm một người nữa rụng!”. Tôi trơ lì với nỗi sợ, khép chặt mình khỏi vòng xoáy ấy và cố gắng không suy sụp tinh thần khi phải thường xuyên chứng kiến cảnh sa đà ngập ngụa của mọi người xung quanh. Một cô bạn của tôi đã chết ngay tại phòng tập thể hình sau một thời gian tập luyện với cường độ quá sức và khẩu phần dinh dưỡng là một quả táo/.ngày để giảm cân.
Mỗi ngày, có hàng ngàn người mẫu mới gia nhập thị trường, họ hơn bạn vì họ mới hơn, họ trẻ hơn, và để đứng vững từng ngày, với độ tuổi chưa thành nhân, ai sẽ dìu dắt và bảo vệ bạn khỏi những quyết định sai lầm?
Môi trường người mẫu ở Việt Nam vẫn là một mảnh đất thanh bình so với những gì mà tôi vừa trải qua. Các em vẫn rất hồn nhiên và nhẹ nhõm. Vài vụ “không ưa nhau” được đồn thổi sau hậu đài, một hình xăm dại dột bốc đồng nào đó,…và luôn có ánh mắt khắt khe của công chúng, báo giới theo dõi, lên tiếng và cảnh tĩnh. Đôi khi ta thấy thật phiền nhiễu lúc và cho rằng ấy là “cái giá” của sự vinh quang và nổi tiếng. Nhưng xét ở một mặt khác, tôi cho rằng đây cũng có thể được xem là một sự may mắn. Từ chuẩn mực thuần phong xã hội, cho đến quan điểm thẩm mỹ truyền thống của người phương Đông với cái đẹp tiêu chuẩn là một cơ thể khỏe mạnh, “có da có thịt” và những đường cong “phồn thực” khiến các em không phải trở thành một sự mảnh mai phi tự nhiên. Nhưng gần đây, tôi lại thấy dấy lên hiện tượng áp lực từ các bạn người mẫu nữ về số đo vòng một. Ngay cả những thể hình mà tôi đánh giá rất cao, các em cũng vì áp lực chung mà nhờ đến sự can thiệp của phẫu thuật thẩm mỹ. Tràn lan ở mọi nơi là hình ảnh những bộ ngực nhân tạo, khiến cho ngay cả một người mẫu mới vào nghề cũng phải “tậu” cho bằng được một bộ ngực tương tự, đôi khi chỉ để “giống người mẫu”. Gần như việc trải qua chỉnh sửa thẩm mỹ là một giấy thông hành cho họ gia nhập làng người mẫu, và tôi rùng mình trước quan niệm này, khi nó nhắc tôi nhớ đến những gì đã chứng kiến ở châu Âu. Cá nhân tôi không phản đối phẫu thuật thẩm mỹ, nếu trên khuôn mặt hay cơ thể thật sự có những chi tiết thiếu cân đối thật sự rõ rệt và cần can thiệp. Tôi chỉ cực lực phản đối cái tư tưởng phẫu thuật thẩm mỹ theo trào lưu, như một sự bỉ báng và phủ nhận cái đẹp tự nhiên nhất mà một người mẫu may mắn có được. Và tôi đã rất hài lòng khi Quan Huệ Trinh đoạt giải thể hình tại cuộc thi SMVN 2009 vừa qua. Cô ấy là một người mẫu trẻ và còn cả một con đường dài phía trước để thật sự đi đến độ chín của phong cách, nhưng Huệ Trinh là hình mẫu lý tưởng cho một sự mảnh mai nhẹ nhõm và lành mạnh, tự nhiên mà, theo tôi, hoàn toàn xứng đáng để đại diện cho hình ảnh một thế hệ người mẫu “lành” và “mạnh”.
 “SETTER” HAY “FOLLOWER”?
Là người mẫu châu Á duy nhất tại thời điểm của mình ở Paris, tôi đã trải qua cảm giác, hay thậm chí mặc cảm về sự khác biệt. Không chỉ màu da, tóc, mà cả chiều cao, phong thái, v.v…Đến một buổi casting, tôi bị vây quanh bởi những đồng nghiệp người Âu rất cao và hầu như tứ phía là vàng óng màu tóc “blonde” vốn luôn được ưa chuộng tại đây. Thay vì hòa mình, hay “chìm” vào làn sóng màu óng vàng ấy, tôi vin vào sự khác biệt của mình mà đứng lên. Và, may thay, tôi đã làm đúng. Sự khác biệt ấy đã giúp tôi trở thành một người mẫu mà bộ sưu tập nào cũng cần tới, một khi thương hiệu và nhà thiết kế muốn khẳng định thị phần quốc tế của họ, bao gồm cả thị trường châu Á. Và hơn nữa, bản chất của thời trang là luôn tìm đến sự khác lạ, mới mẻ. Tôi đã may mắn hiểu được điều này và “mặc cảm khác biệt” được chuyển hóa thành “thế mạnh của sự độc đáo”.
Thật sai lầm khi bạn muốn trở thành một Kate Moss, một Naomi hay một tên tuổi đàn chị nào đó, chẳng hạn. Có thể bạn sẽ vẫn là một người mẫu, nhưng sẽ không bao giờ là một “siêu mẫu” nếu những gì bạn có chỉ là việc cố giống với một siêu mẫu  – vốn là một người mẫu có khả năng biến hình ảnh riêng của mình thành một trào lưu, một phong cách độc lập, và siêu mẫu cũng phải là một trend-setter (người tạo ra trào lưu) chứ không phải là một trend-follower (người đi theo trào lưu).
Trong suốt những ngày tập luyện, tôi đã luôn nhắc các em về điều này, vì tên gọi của sự kiện là cuộc thi Siêu Mẫu, và tôi luôn muốn các em ý thức sự khác biệt giữa một người mẫu và một siêu mẫu. Hãy quan sát trang phục bạn phải thể hiện, hiểu nó, trân trọng nó, và pha trộn tinh tế với tố chất riêng của bạn và trình bày với người xem trên catwalk một hình ảnh mới hoàn toàn, như một sự giao thoa tinh tế của ý tưởng của nhà thiết kế và tố chất của một siêu mẫu thực thụ. Cuộc thi SMVN bản thân trong ý nghĩa của nó là tính định hướng, và tính định hướng này phải được hướng tới sự sáng tạo, sự mới mẻ vốn luôn là bản chất của thời trang. Có thể đã có những tư thế tạo dáng ngô nghê, thậm chí “phản cảm” trên sàn diễn, nhưng một mặt nào đó, tôi thà nhìn thấy sự cố gắng tìm tòi và thể nghiệm, hơn là sự nhàm chán, lặp lại và sáo mòn. Sự sáo mòn xảy ra khi người ta cạn nguồn ý tưởng và muốn rút vào cảm giác an toàn khi nương theo trào lưu sẵn có, đó chính là dấu hiệu ngấm tắt của sự sáng tạo, vốn phải được xem là một dấu hiệu đe dọa cho bất cứ ai hoạt động trong lãnh vực nghệ thuật và thời trang.
 NGƯỜI MẪU VÀ MÁU PHIÊU LƯU  – CHÚNG TA CÒN TRẺ, TẠI SAO KHÔNG?
Có người hỏi tôi rằng vì sao nghề người mẫu nghiệt ngã vậy, mà tôi vẫn huấn luyện, khuyến khích các em gia nhập vào guồng quay đầy áp lực và cạm bẫy ấy. Đơn giản vì dẫu giờ đây, tôi đã có thể toàn tâm đầu tư cho âm nhạc của mình, nhưng nếu được làm lại từ đầu, tôi sẽ vẫn là một người mẫu. Và tôi khuyến khích các em vì một khi chúng ta trẻ, đầy máu phiêu lưu và hãnh tiến, hãy thỏa mãn những mơ ước dẫu ngông cuồng nhất, đẩy mình vượt qua những cạm bẫy mặt trái luôn có ở mọi lãnh vực, và vào cuối con đường, trước khi chuyển sang một giai đoạn sự nghiệp khác, tôi tin rằng các em sẽ nhìn lại quãng đường trên catwalk ấy và tự hào với những gì mình đã may mắn được trải nghiệm. Vì đó chính là cảm giác của tôi những ngày làm việc cùng các em, vào những khi ở tư cách giám khảo, quan sát các em thể hiện trên sàn diễn, kinh nghiệm và quá trình huấn luyện cho phép tôi tin rằng các em đã sẵn sàng tâm thái để đại diện cho một thế hệ người mẫu mới. Tôi hài lòng với những gì tôi đã tìm thấy ở SMVN 2009 và cả những gì tôi có thể nhìn thấy xuyên qua cuộc thi này.
Giờ đây, đối với các tân siêu mẫu, và cả các em đã không may mắn đạt danh hiệu, lúc này đây, họ đang thật sự đối mặt với một vòng thi mới, nơi mà các em chịu sự đánh giả của một hội đồng giám khảo đông đảo và khắt khe hơn rất nhiều. Đó chính là các đại diện, các nhà thiết kế, báo giới, và công chúng. Sẽ có những người bị loại khỏi cuộc chơi, sẽ có những cú ngã trên đường băng, và cũng sẽ có những cuộc đăng quang ngoạn mục, lằn ranh đào thải sẽ khắc nghiệt hơn, nhưng cái giá trị có được cũng sẽ vô cùng xứng đáng, trên hết, là bản thân con đường mà các em sẽ đi, đó là một cuộc phiêu lưu thú vị, đầy cạm bẫy nhưng cũng nhiều những bài học thành nhân thật giá trị. Nơi đó, tuy không còn là một giám khảo để dõi theo và đánh giá, nhưng tôi mong rằng mình sẽ luôn ở đó và khi có thể, sẽ vẫn là một “chuyên viên huấn luyện trực tiếp” cho các đồng nghiệp mới của mình trong một môi trường người mẫu chuyên nghiệp hơn, “mạnh” hơn, và “lành” hơn. 
TT&VH Cuối Tuần 11/07/2009 (ghi chép theo tự sự của Nathan Lee - Giám đốc Sáng tạo tạp chí Người Mẫu)

1 nhận xét: