Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

manh áo văn nhân



audrey
Đẹp và giàu, hẳn nhiên muôn đời là ước nguyện của con người, và dẫu không mấy ai luôn có được sự song hành hoàn hảo ấy. Còn số ít may mắn những người có được cả hai thì sẽ phát sinh một nhu cầu khác, ấy là thể hiện ra điều đó hòng ve vuốt chút thị dục huyễn ngã. Nhưng để bù đắp, loài người phát minh ra một tạo vật có khả năng khiến người khác biết (hoặc tưởng)chí ít người ta cũng xây dựng được một ảo ảnh về nó hòng khiến thiên hạ biết (hoặc tưởng) họ đẹp và giàu thật - ấy là đồ trang sức.

Người ta đeo trang sức để làm duyên và để cho oai. Tùy khả năng và nhu cầu mà chọn. Cặp bông tòn teng bằng hột cườm tím rịm, ngoài chợ huyện bán 5 ngàn rưỡi một đôi ngó coi duyên duyên ngồ ngộ trên ráy tai mấy cô thôn nữ. Nhưng không oai. 
 Mấy cha xì thẩu cỡ bự Chợ Lớn đeo dây chuyền hàng nùi trên cổ, cọng nào cọng nấy bằng dây lòi tói, 24K đỏ ngay ngáy, ngó vô hết hồn chim én, dẫu khó lòng mà nói mấy chả coi mặn mòi đỏm dáng chi với cái nùi xích cam cam vàng vàng chạm khắc thô thiển ấy.marilyn
Rồi tuốt tận trời Tây, cô đào hát bóng Ma-Lệ-Liên Mộng-Lỗ (Marilyn Monroe), mình bận satin, ngó lẳng lơ hết chỗ nói, ca hát tưng bừng rằng hột xoàn là bạn bè chí hẩu của các o các mợ (Diamonds are a girl’s best friend). Và thế là người ta nghĩ ra những thứ trang sức có thể vừa làm duyên vừa ra oai, đại loại như xà bông gội đầu 2 trong 1 thời nay vậy. Tôi nhớ hồi nhỏ học tiểu học, đi bộ về nhà ngang qua gần tiệm bánh Jivral góc Đồng-khởi với đại lộ Lê-lợi bây giờ, bận nào cũng dừng lại ngó trân bức hình quảng cáo của hãng đồng hồ Longines có hình cô đào Ái-trân Hợp-bích (Audery Hepburn) hút thuốc tẩu dài điệu nghệ, tóc bới cao, miệng cười, ở dưới có dòng chữ tiếng Tây Elegance is an attitude mà khi ấy, kiến thức tiểu học của tôi chỉ đủ để hiểu kiểu bo bo trộn gạo lức: Sang cả nhờ bố láo. Tâm đắc lắm, tôi nhẩm suốt dọc đường. Về nhà phen ấy, tôi bị cha mắng cho một trận, không rõ vì tội cùi bắp hóa ngôn ngữ của nữ hoàng Ăng-lê hay vì tội lệch lạc tư tưởng đạo đức chánh trị. audrey
Trở về câu chuyện của trang sức, vậy là xuất hiện những hãng buôn lớn làm ra những món đồ vừa đẹp vừa sang, từ trước thưở tôi ăn mắng vì tội dịch ẩu đến nay, hãng nọ vẫn phây phây mần ăn thịnh vượng, bán hàng cho nam nhân nữ giới thượng lưu toàn cầu.  
Kể từ đó, mấy bà chủ tiệm kim hoàn Chợ Lớn vẫn giàu theo kiểu mua bán trao đổi Mỹ kim, vàng miếng và cầm đồ.  
Và cũng kể từ đó, con gái và con rể bà bán bông tai mủ ở chợ quê giờ vẫn báng hàng khô cùng đồ trang sức Trung-quốc. Gái quê đeo bông tai mủ, một số coi duyên quá nên lấy được chồng Tàu.  
Cái này mấy thầy tú cậu cử thời nay gọi là phân khúc thị trường. Nhưng rồi mấy hãng buôn đại gia cỡ Tỉ-Pha-Nhi (Tifany), Long-yến (Longines),…tài sản trù phú, phát triển thịnh vượng hùng mạnh quá, con bà bán bông mủ chuyển hẳn sang kênh xà bông, đồ hộp và dép xốp, mấy mợ kim hoàn chợ lớn bán tháo của nả ra nước ngoài đánh bạc, làm móng tay, mở tiệm phở,…kiếm bộn tiền. Mấy cô nhỏ ở tỉnh giờ đeo bông vàng hẳn hoi lại bị gọi là quê, là sến. Mấy ông xì thẩu không thèm đeo lòi tói nữa mà lấy tiền mua chiếc xe hơi thiệt sang chạy chơi, dân tình càng nể vía hơn. Có ông thì lấy tiền mua vàng đeo cổ đem mua điện thoại tân tiến tặng nhân tình (thường là mấy cô nhỏ tỉnh lẻ vẫn hay mua hàng chợ huyện ngày xưa), mang nhân tình vi vu đây đó bát phố, thiên hạ ngó vô nể quá, nức nở khen rằng ổng giàu ổng sang. Mà so với dây lòi tói, cô nhân tình còn có giá trị sử dụng đa dạng phong phú hơn ngoài chức năng dọa hàng xóm, mặc dù tuổi thọ sử dụng không bền bằng. 
Trung tâm thể dục thể thao huyện cũng cạy cục thửa cho được trong phòng truyền thống vài cái cúp vàng giải cờ ca-rô bán chuyên nghiệp toàn huyện đặng trang trí cho đẹp, cho oai. 
Công ty sản xuất linh kiện thiết bị xay tiêu giã tỏi cao cấp cũng phấn đấu sắm được mảnh chứng nhận chuẩn ISO trang trí cho cả phòng khách lẫn thanh thế công ty. 
Cô tình nhân, chiếc xe hơi, căn nhà, danh thiếp hay thậm chí mảnh bằng Gia đình Văn hóa giờ cũng được tận dụng làm đồ trang sức, để ca tụng (to và rõ) nhân thân lẫy lừng, bản lãnh tài ba của chủ nhân. Cộng đồng cùng nhau khoe sắc, trù phú thịnh vượng muôn nơi, ai cũng trội bật kiệt xuất, xã hội là cây thông Giáng-sinh với đủ lệ bộ đèn quả nhót lẫn trái châu, kim sa, hột bẹt,… 
Ngặt nỗi, trang sức có thật có giả. Có hàng độc bản cũng có hàng nhái. Nhân cách, gia sản, trình độ, đẳng cấp hay thậm chí nhan sắc cũng vậy. Cũng có thật có giả, cũng bắt chước hội đồng theo một nguyên mẫu dị biệt độc đáo nào đó. Nhẹ thì mượn xe dạo phố ra vẻ sang giàu, mở miệng nghe toàn hợp đồng nặng ký. Mấy cậu kép cô đào non, sang Tây dăm ba bữa cũng là du học. Mấy ông chủ hãng buôn củ kiệu dưa giá, hay chủ hãng XNK nồi gang chảo thiếc cũng đã thừa oai vệ chỉ thiếu phần duyên dáng, giờ chỉ ưng làm nhà văn hóa học, nhà hoạt động xã hội cộng đồng cho đỏm dáng với đời. Mấy cô hoa hậu cũng ráng sắm cho mình vài giọt nước mắt trong clip quay thăm trẻ cơ nhỡ kẻo không có lại thua chị kém em… Mà phàm mấy thứ này ra nắng hay qua một nước mồ hôi muối là xỉn màu kém sắc, chỉ còn nước mang ra cho trẻ nhỏ chơi nhà chòi là cùng. 
Rồi cũng có những yếu nhân chánh hiệu cùng nhân cách hay diện mạo trội bật (xuất chúng hoặc kì cục), như thể hàng nữ trang độc bản vậy, rất hiếm nên cực quý. Vậy là người ta coi được, thấy sao ráng làm giống vậy, tựa hồ mấy hột nhựa xanh xanh hình trái tim nhái theo viên kim cương trứ danh trong tuyệt phẩm cinema Titanic. Mấy đồ này rẻ rề, đeo vào mà tỏ lòng ái mộ, a dua theo nguyên bản duy nhất vậy. Giả như viên kim cương nọ có tri giác hẳn cũng chả lấy làm phiền mà còn thêm phần hãnh diện cho sự trội bật và giá trị huyền thoại của mình đã kiến tạo cả một trào lưu. Đó là đồ nhái. 
Cũng có kẻ đeo nữ trang giả, làm bộ danh giá sang cả để đi lừa người. Và cũng có dăm ông thày thuốc ham khuếch trương thanh thế, treo trưng bằng cấp để rồi do dốt do tham mà hại người. Hạng người này, dẫu trang sức của họ là đồ mỹ ký rẻ tiền hay mảnh bằng lộng khung kiếng, cùng là quân lừa đảo.
Đồ trang sức quý thì dễ dẫn lối phường trộm cướp. Kẻ gian hùng ngang nhiên giữa lộ đoạt đồ, quân bần hàn rình lúc vắng người mà thó của. Nhưng lại có kẻ chẳng màng chuyện bịt mặt đeo găng dàn cảnh trộm cướp chi mấy thứ đồ châu báu về sau chỉ có thể bán lấy tiền. Bọn này chả thiếu gì của nả tiền bạc, mà chỉ ham đắp đổi một chữ sĩ với đời.  
Chuyện xưa nay vẫn tỏ, có kẻ thừa tiền thiếu chữ, manh nha chuyện khoét vách nhà ông đồ chỉ để trộm lấy manh áo the cùng nghiên mực, rồi hỉ hả bận vô mình đi khắp cùng làng cuối xóm, phong mạo ung dung ra dáng bậc văn nhân, rảo được đến vòng thứ hai thì chính mình cũng đã kịp tin mình là bậc trí thức uyên thâm tột bậc.  
Phường trộm cướp bởi túng quẫn, cuỗm được của người chút món nữ trang nhằm lúc bị hô hoán có khi phải đòn đến chết. 
Than ôi, gã trọc phú vắn chữ nọ vẫn khoác áo văn nhân mà rảo cùng làng, thiên hạ xô ra, thấy kẻ giàu trúng gió cũng sang nên nức nở khen áo sao mà hợp, mà sang, mà tao nhã thế. Ông đồ già xúi quẩy biết tri hô cùng ai, kẻo quan quân dòm xuống thiên hạ ngó vô lại cười ông già lẩm cẩm, ai trộm cướp làm gì, sang cả quý hiếm gì, một manh áo văn nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét