Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Creators Behind The Scene


illustrationKhông rõ phải do tố chất vùng miền, cả về khí hậu lẫn đặc thù lịch sử địa phương mà Sài-gòn vẫn luôn được xem là mảnh đất màu mỡ cho ngành công nghệ - dịch vụ làm đẹp. Song song với sự phát triển của nền kinh tế thương mại và giao thoa văn hóa, kéo theo kì hưng thịnh của công nghệ thời trang, quảng cáo và giải trí, từ khoảng 10 năm trở lại, các tên tuổi của ngành trang điểm trở thành những “celebrities” mới của xã hội.
Tuy nhiên, đối với phần đông người ngoài ngành showbiz thì makeup artists, chuyên viên trang điểm hay thợ làm mặt hầu như vẫn là một ngành dịch vụ thuần túy xa xỉ với vai trò không thật sự là thiết yếu đối với sự phát triển chung của xã hội, ngoài các dịp đám cưới hay thi nữ nhân viên thanh lịch.
Và với quan niệm này, giới chuyên viên trang điểm (CVTĐ) vẫn được coi là một thế giới đồng bóng phù hoa, lắm điều tiếng. Bên ngoài ống ngắm camera và phía sau cánh gà, bên cạnh những người đẹp, họ như những cái bóng thật sự.
Nếu so sánh CVTĐ với họa sĩ, thì họ chính là những người vẽ nên những bức họa mong manh nhất, bởi tuổi thọ của mỗi tác phẩm của họ không bao giờ tồn tại được đến qua 24 giờ.
Nếu so sánh CVTĐ với các chuyên viên tâm lí thì họ là những người phải có khả năng đọc được cá tính, sở thích, hoàn cảnh của thân chủ ngay từ khoảnh khắc đối diện đầu tiên và thực hiện giải pháp thường là chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ.
Và nếu so sánh CVTĐ với những người đàn ông, thì họ chính là những người hiểu, yêu và chiều chuộng phụ nữ nhất, và trao cho những người phụ nữ của họ quyền lực tối thượng nhất mà chỉ đòi hỏi ở người phụ nữ ấy nhiều nhất là sự tin cậy và tình bạn.
Phụ nữ có rất nhiều ngày lễ trong năm để được tôn vinh dưới nhiều vai trò: người phụ nữ, người mẹ, người tình,… Đẳng Cấp xin dành một góc của những ngày đầu tháng 3 để nói về những người thật sự yêu phụ nữ nhất qua cuộc nói chuyện với 3 tên tuổi makeup artist của ngành trang điểm tại thành phố Hồ Chí Minh.
CutieCu-Tie – không là một tuyên ngôn ầm ĩ

Cũng như mẫu số chung của các CVTĐ tại Việt Nam, Cutie đã đến với nghề làm đẹp xuất phát từ niềm đam mê “không giống ai” từ hình ảnh trong tiềm thức về người mẹ, những thế hệ nhan sắc Việt Nam đã qua. Phảng phất trong phong cách và tư tưởng thoáng đạt của anh là tính nhân văn thời đại của sự hội nhập về chuẩn mực kinh điển của cái Đẹp.
PV: Với điều kiện tiếp xúc các trào lưu trang điểm, và quan niệm thẩm mỹ đa dạng trên thế giới, anh xác định sở trường sáng tạo của mình ra sao?
TC: Phong cách trang điểm của một makeup artist phải luôn linh hoạt tùy theo khuôn mặt, phong cách, cá tính và môi trường của đối tượng. Đôi khi, việc định hình một phong cách ưa thích riêng sẽ khiến cho người CVTĐ hạn chế sự linh hoạt, nhạy bén trong kỹ năng.
Con đường phát triển của phong cách trang điểm chịu ảnh hưởng một cách gián tiếp hoặc trực tiếp qua sự phát triển của môi trường văn hóa xã hội quanh nó. Ví dụ ở thập niên 20, lối trang điểm khi ấy khá đơn giản về màu sắc cho đến khi xuất hiện nền công nghiệp điện ảnh tiên tiến với phim màu, thì màu sắc trong mỹ phẩm trang điểm cũng lập tức chuyển sang một bảng màu rực rỡ, phong phú hơn. Có thể nói rằng sự luân chuyển của phong cách trang điểm thay đổi liên tục từ thập niên 20 đến 90 và từ đó đến nay, là sự lặp lại của trào lưu theo hình xoắn ốc: quay về điểm cũ nhưng được nâng cao hơn về công nghệ (mỹ phẩm) và kỹ xảo (trang điểm)
PV: Theo anh, phong cách trang điểm có tác động ra sao đến hành vi và cảm xúc?
TC: Phải nói ngược lại mới đúng, cảm xúc mỗi ngày của người phụ nữ quyết định phong cách trang điểm của họ, màu sắc mà họ chọn, trang phục mà họ mặc.
PV: Vậy người ta có thể nhận xét người đối diện qua ngoại hình, phong cách trang điểm hay trang phục, hay nói theo một cách khác, chiếc áo có làm nên thầy tu?
TC: Hay vì ý thức mình là người tu hành mà vị tu sĩ sẽ chọn chiếc áo dòng. Câu nói đó không sai, ở một góc độ nhất định.
PV: Theo anh, tố chất cần có cho một chuyên viên trang điểm là gì?
TC: Ngoài những yếu tố cơ bản là đam mê, tài hoa và kỹ năng của tay và mắt, một CVTĐ còn nên là một người đủ độ nhạy cảm để hiểu được đối tượng trang điểm của mình, thường là chỉ qua một lần tiếp xúc. Không chỉ là ưu khuyết điểm của khuôn mặt, thân hình, trang phục, mà là cả cá tính, phong cách lẫn môi trường giao tiếp của cô ấy. Điều suy nghĩ quan trọng trên hết là CVTĐ phải ý thức được trách nhiệm của mình đối với lớp trang điểm mà người phụ nữ đó sẽ mang trên mặt mình trong suốt một ngày, thể hiện vẻ đẹp, cảm xúc và con người của họ.
PV: Theo anh, điểm mạnh và yếu của ngành làm đẹp tại Việt Nam
TC: Điểm mạnh là thị trường và nhu cầu rất lớn. Điểm yếu là không chấp nhận sự khác biệt.
PV: CVTĐ là người luôn nhìn thấy nét đẹp trong người phụ nữ hay là người nhìn đâu cũng thấy khuyết điểm?
TC: Cả hai. Và sự nhận định cả về ưu lẫn khuyết điểm đó phải rất cẩn trọng và tỉnh táo để quyết định tô điểm, nhấn nhá cho ưu điểm và điều chỉnh các khuyết điểm
PV: Cuộc sống phải chăng là một cuộc thi sắc đẹp lớn, khi dường như các người đẹp luôn được số phận yêu chiều hơn?
TC: Quả tình, chúng ta đều biết một thực tế là sự may mắn luôn mỉm cười nhiều hơn vớingothanhvan những người đẹp. Trước hết là vì họ biết làm đẹp, hành vi đó thể hiện họ đã có một động thái rõ rệt hơn trong con đường tiếp cận thành công hoặc may mắn. Tuy nhiên, hoàn toàn không sáo rỗng khi nói rằng chính vẻ đẹp thật sự nằm bên trong, khi tiếp cận gần hơn với những người đẹp. Và tôi vẫn tin rằng một người phụ nữ, ngay cả khi đã già nua nhăn nheo, ngay cả lúc không son phấn điểm trang, vẫn hoàn toàn xứng đáng được yêu.
PV: Đúng, nam giới vẫn yêu người đàn bà của họ dù không son phấn, nhưng sẽ ngay lập tức ngoái đầu theo bất cứ người đẹp nào ngoài phố.
TC: Đôi khi không hẳn vì cô ta đẹp. Đôi khi không hẳn người đàn ông ngoái nhìn vì ao ước chiếm hữu. Đôi khi đơn giản là lớp trang điểm hay vẻ ngoài của cô gái ấy thu hút sự chú ý. Nếu người yêu của bạn ngoái nhìn Pamela Anderson thì hãy hiểu rằng vì đó là Pamela Anderson (với tất cả những thứ của Pamela Anderson) và điều đó khiến chính bạn cũng nhận ra và ngoái nhìn.
Lớp trang điểm có thể được xem là một tuyên ngôn của bản chất, cảm xúc hay nhan sắc. Có đôi khi nó lôi kéo sự chú ý chỉ vì đó là một tuyên ngôn ầm ĩ.
PV: Vẫn còn một số không ít người cho rằng mỹ phẩm và việc trang điểm hàng ngày là chuyện xa xỉ và làm người phụ nữ kém năng động trong vai trò gia đình/xã hội của mình, anh nghĩ sao về điều này?
TC: Xem nào, phụ nữ ưa thích trang điểm, thích ngắm mình đẹp hơn sau khi trang điểm, và họ hưng phấn bắt đầu một ngày mới. Trạng thái tinh thần đó là tích cực cho động lực và hiệu quả công việc của họ. Và chúng ta nhìn vào thì thích mắt. Vậy thì sự xa xỉ đó là nên, là cần thiết và không phù phiếm.
PV: Khi nam giới nói rằng anh thấy em để mặt tự nhiên, không trang điểm là đẹp nhất, họ có đang nói thật không?
TC: Nếu việc không trang điểm đồng nghĩa với cả bộ trang phục ở nhà cẩu thả, vẻ mặt cau có mệt mỏi, thì không, đó chỉ là một câu nịnh cho qua chuyện.
PV: Làm nghề chăm sóc cho người khác, bản thân anh tự chăm sóc ngoại hình cho mình ra sao?
TC: Tôi thường nghĩ là mình không yêu mình trước thì làm sao yêu được người khác.
PV: Anh nghĩ sao về quan niệm rằng phụ nữ để mặt mộc là dấu hiệu của đức tính giản dị và vẻ đẹp tự nhiên.
TC: Tôi tin là có những người phụ nữ không cần trang điểm chút nào cũng vẫn đẹp.
Việc sử dụng mỹ phẩm và trang điểm là quyền lợi của một người phụ nữ, tại sao họ lại từ bỏ cái quyền được làm đẹp…???
PV: Sai lầm hay thường gặp trong trang điểm?
TC: Muốn mình xinh đẹp như người khác đến nỗi nhận không ra.

nguyenhungNguyễn Háo Mộng Hùng – kẻ hoài cổ thời thượng
Là một trong những CVTĐ “sáng giá” nhất nhì trong giới ca nhạc, thời trang và điện ảnhvới thương hiệu được khẳng định qua những khách hàng “ruột” như Hồ Ngọc Hà, Thanh Hằng, Lý Nhã Kỳ, và cũng nổi tiếng là người rất “lười” trả lời phỏng vấn, hơi ngạc nhiên khi nhận được tin nhắn của anh, sau khi đọc câu hỏi phỏng vấn qua e-mail, yêu cầu được trả lời trực tiếp.
Để trả lời cho sự bất ngờ của phóng viên, anh tâm sự: “Tôi vẫn thường nổi tiếng là lười trả lời phỏng vấn, lười tham gia các chương trình tư vấn làm đẹp trên truyền hình. Lí do là vì tôi đã không được hỏi điều chúng tôi cần được nói. Tôi có thể tư vấn mẹo vẽ mặt, khán giả có thể xem, làm theo được hay không được, nhưng kiểu tư vấn như vậy sẽ không thể giúp chúng tôi hoàn thiện chức năng nghề nghiệp cốt lõi của mình - ấy là làm sao cấy vào được trong mỗi khán giả, đọc giả cái ý thức sâu xa của việc làm đẹp, của cái nhân văn trong việc tưởng chừng đơn thuần phấn sáp.”
PV: Được biết đến là người chăm sóc nhan sắc của 3 người đẹp hàng đầu của làng ca nhạc, thời trang và điện ảnh, anh quan niệm ra sao về xu hướng chọn CVTĐ riêng của các ngôi sao giải trí hiện nay?
NHMH: Các ca sĩ chọn cho mình 1 CVTĐ riêng là điều hết sức thuận lợi cho công việc quảng bá hình ảnh đặc trưng của riêng mình., điều này cần sự hiểu biết về văn hóa lịch sử làm đẹp và văn hóa thời cuộc của cả hai bên để đưa ra một hình ảnh gọi là độc đáo không bị trùng lặp. Giống như những ngôi sao ca nhạc trên thế giới họ không thể giống nhau trong một rừng hoa ngôi sao. Đối với người mẫu trong một cuộc trình diễn thời trang thì lại khác, cần hiệp thông một phong cách trang điểm cho tất cả các người mẫu trong một collection hoặc hoàn toàn giống nhau hoặc khác nhau nhưng phải cùng chung một xuất phát điểm – đó là ý tưởng. Các cuộc trình diễn thời trang ở Việt Nam còn lạc hậu đến khó chịu, vì không đồng nhất ý tưởng, mỗi người mẫu bước ra mang nặng trong đầu tư tưởng tỏa sáng hơn là đem sự độc đáo của riêng mình cho khán giả mà vẫn không tách rời tập thể, thể hiện được đẳng cấp chuyên nghiệp qua sự hiểu biết về thiết kế, về tinh thần dàn dựng,…. CVTĐ cho hai lãnh vực này cần độ nhạy bén, kiến thức và tính nhân văn.
Tuy vậy, dẫu là CVTĐ độc quyền hay dịch vụ cho khách hàng thông thường, người chuyên viên vẫn cần phải bảo đảm các khả năng, kiến thức đặc thù là:
- Nhận thức về lịch sử vẻ đẹp của Việt Nam và thế giới qua từng thời kỳ
- Đâu là Chân – Thiện – Mỹ
- Nắm cơ bản về hình khối và mảng màu trong hội họa
- Yêu phụ nữ
PV: Vậy theo anh, ở góc độ cũng đang là một người thầy truyền nghề, anh sẽ đào tạo “môn đệ” của mình ra sao để bảo toàn các chuẩn mực chuyên môn như trên?
NHMH: Bản thân tôi, ở cương vị là một người thầy truyền nghề, tôi bị một cái tật là…nói nhiều. Những bài học đầu tiên để trở thành CVTĐ, theo tôi, nên là những bài học về cái Đạo của Nghiệp.Bài học nhập môn phải là cốt cách của chính họ, xây dựng sao cho ý thức về bản thân phải đủ trước khi ý thức cho người khác. Một makeup artist – nghệ nhân trang điểm đúng nghĩa, cũng phải học dọn mình sao cho từ ý thức đến tác phong, tư tưởng luôn hướng đến tính sáng tạo mà vẫn phải bảo toàn chuẩn mực thẩm mỹ. Rồi đó còn là những kinh nghiệm, kiến thức để đủ nhạy cảm, thấu hiểu đối tượng trang điểm, nhận thức về cái nghĩa đầy đủ nhất của khái niệm Đẹp, am hiểu trào lưu thời thượng nhưng vẫn phải trau dồi tri thức của phong cách trang điểm, quan niệm thẩm mỹ của từng thời kỳ tiên trào trong lịch sử… Đến khi thành hình về sự hiểu biết và tư tưởng rồi thì hẵng học đến phần kỹ năng chuyên môn. Nghề tạo nên cái Đẹp có mặt Đạo của nó, chính yếu tố đó phân biệt giữa một bậc thầy và một anh thợ vụng.
PV: Có mâu thuẫn lắm không khi công việc trang điểm dường như đòi hòi công phu tinh xảo trong khi bản chất của cái đẹp trong quan niệm chung vẫn là nhan sắc chân thật, tự nhiên và sự giản dị không chỉ là một vẻ đẹp mà còn là một giá trị nhân cách?
NHMH: Có bị sáo ngữ không khi ta ấn định sự giản dị cho một khuôn mặt mộc khônghaho trang điểm? Sự giản dị thật sự nằm trong tâm hồn trong sáng, thẳng thắn, lối cư xử chân phương, không rườm rà, không ngụy biện thừa thãi, vòng vo. Làm sao cho là đẹp được khi trời phú cho phụ nữ khiếu và ý thích làm dáng, một bộ váy đẹp, một mái tóc khéo chải lại bọc quanh một khuôn mặt trần thì thật khập khiễng, hụt hẫng, không thể cho là đẹp được.
Nếu giản dị là một tố chất của nhân cách, vậy ra những chị em nào có trang điểm là…mất nhân cách đó chăng?
PV: Vậy theo anh, chuyện tưởng như thuần túy thói đỏm dáng nữ nhi nhưng lại có thể là một tuyên ngôn sâu xa của tính cách và trình độ bản thân?
NHMH: Ngược lại với quan niệm trang điểm là sự phù phiếm, xa xỉ, chúng ta phải nhìn nhận trang điểm và phong cách trang điểm ở góc độ văn hóa. Văn hóa có văn hóa cộng đồng và văn hóa cá thể. Chính văn hóa của mỗi người sẽ là một thành tố kiến tạo nên cái tổng thể diện mạo của văn hóa cộng đồng, quốc gia, mà thành cái mà chúng ta gọi là quốc thể. Đến một quốc gia nào đó, nếu nhận xét về con người ở đó, thường thì người ta có xu hướng quan sát phụ nữ địa phương. Ở ta cũng vậy, đã bao lâu nay, từ trước, người nước ngoài vẫn nói rằng đàn bà con gái xứ này đẹp, rằng phụ nữ Việt Nam chung thủy sắt son, v.v… và giờ đây là luồng tư tưởng mới rằng thế hệ nữ trí thức, nữ doanh nhân của ta năng động, thông minh, tiến bộ, v.v… Vậy thì trong mỗi người phụ nữ, ngoài xuất phát điểm là bản năng thiên phú về việc tự chăm sóc, tô điểm cho mình, còn là ý thức của một công dân tiến bộ, có văn hóa và trách nhiệm với thể diện của cả cộng đồng của mình, quốc gia mình.
PV: Nhưng phải chăng, quan niệm hiện đại về hình ảnh người phụ nữ năng động và áp lực của thời cuộc mới không có chỗ cho việc trang điểm tốn kém và mất thời gian, trong khi, cũng theo quan niệm hiện đại, chính bản lãnh trí tuệ và thực lực của người phụ nữ mới là nhan sắc thực thụ?
NHMH: Năng động không phải là lè phè. Năng động đại diện cho phẩm chất trí tuệ, và đỉnh cao của trí tuệ phải được xây dựng dựa trên lòng tự trọng, tự tôn. Một người phụ nữ năng động, hiện đại, ắt hẳn phải là người thấm nhuần ý thức về giá trị của phong thái, ý nghĩa và vai trò của hình thức. Năng động không thể đồng nghĩa với sự hời hợt với chính cơ thể, khuôn diện của bản thân được.
PV: Một quan điểm (cũng hiện đại) khác cho rằng đây chính là thời kỳ của quyền lực nhan sắc với sự hào nhoáng của những hình mẫu trong giới điện ảnh, thời trang. Với tư tưởng trái ngược này, liệu anh có tìm thấy sự đồng cảm cao hơn?
NHMH: Ở thời buổi nào cái đẹp cũng được ưu ái. Ai đẹp nhất phải là người không những đẹp mà còn biết cách sử dụng cái Đẹp như một quyền lực. Bên cạnh đó, lại luôn đầy rẫy cạm bẫy, lúc đó, chính trí tuệ là điều cần thiết để giúp ích cho cái đẹp bên ngoài.
Cách đây vài tháng, tôi có dịp đến nhà thăm cựu minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Đã từng là một giai nhân huyền thoại của không chỉ Việt Nam, khi tôi gặp cô, khuôn mặt bị biến dạng, hủy hoại. Nhưng thật kì lạ, khi cô nói về Thiền học, về văn chương kịch thuật, bên trên khuôn mặt bị hủy hoại ấy là một đôi mắt tinh anh, và lạc quan, tự tại đến quyến rũ. Và với tôi, cô vẫn là người đàn bà đẹp. Sắc đẹp đã đưa cô đến đài vinh quang và lòng ngưỡng mộ, nhưng khi dung nhan đã là điều phù phiếm mà biến dạng, chính tâm hồn và chữ Tri, chữ Ngộ ấy mới thật sự khiến cô chạm được đến tận sâu sắc cảm xúc của người hâm mộ, là tôi vậy.
PV: Theo kinh nghiệm chuyên môn, anh có lời khuyên nào cho phụ nữ về loại mỹ phẩm phù hợp với phụ nữ Việt Nam?
NHMH: Tôi đã từng đi nước ngoài, và khẳng định rằng phụ nữ Việt Nam đã được Tạo hóa vô cùng ưu ái với nhan sắc. Nữ giới Việt Nam mình đẹp lắm. Nhưng để nói rất thật, phải yêu thương lắm, nhìn ngắm lâu lắm, mới…biết. Ấy là vì, theo tôi, nhịp độ cuộc sống và thời cuộc đang cuốn họ đi xa khỏi ý thức và kiến thức trong việc tự chăm sóc, tôn vinh bản thân. Tại sao lại cho là duyên dáng đáng yêu khi một cô gái đẹp khi được khen là đẹp lại phản ứng theo lối “Em mà đẹp gì, anh/chị quá khen,…”? Tại sao khi được khen, cô ấy không thể đơn giản trả lời “Vâng, cám ơn anh/chị đã khen!”? Có phải xấu chăng, khi yêu lấy chính mình và tri ân người ngưỡng mộ cái đẹp mà cha mẹ ban cho? Khiêm tốn thật chăng, khi làm duyên bằng cách từ chối lời khen, sự ái mộ mà mình xứng đáng được nhận và thật may mắn mà có? Theo tôi, và chắc rất nhiều đồng nghiệp cũng sẽ đồng ý với tôi, rằng sự tự tin chính là mỹ phẩm làm đẹp tốt nhất, và phù hợp với mọi loại da.
PV: Nếu gặp một cô gái trang điểm vụng về nhưng không quen biết, anh sẽ làm sao?
NHMH: Ước gì cô gái đó là khách hàng của mình. Nhưng vẫn vui vì cô ấy yêu mỹ phẩm.
PV: Anh có nhắc đến một yếu tố tối trọng của một người làm nghề trang điểm, ấy là phải yêu phụ nữ. Anh có là người yêu phụ nữ?
NHMH: Theo kinh thánh, khi người đàn bà được tạo ra từ chiếc xương sườn của người đàn ông hoàn toàn không phải ngụ ý sự lệ thuộc như người ta vẫn nghĩ. Ấy là vì ở vị trí chiếc xương sườn, gần trái tim để được yêu thương, gần cánh tay để được bảo vệ, chở che. Còn hơn cả yêu theo nghĩa yêu thông tục, tôi yêu phụ nữ. Nhưng xin chớ hiểu rằng tôi sẽ yêu họ để phải có họ trong ngôi nhà hay trên chiếc giường của mình, tôi yêu phụ nữ, và đem họ vào trong chính tôi.
PV: Lớp phấn sáp tô điểm cho người đàn bà thêm phần lộng lẫy có phải là một mối đe dọa cho sự thủy chung và…an ninh gia đình?
NHMH: Trước vấn đề “trang điểm hay không trang điểm”, người đàn ông hoàn hảo sẽ nói như vầy: Em hãy làm những gì em cảm thấy thích! Nếu em trang điểm để đẹp hơn trong mắt người đàn ông khác thì anh rất lấy làm tiếc cho họ, vì anh biết, em là của anh!


vdhVương Đình Hải và những dung nhan thời quá vãng
Xuất thân sự nghiệp là một nhà thiết kế thời trang, và còn là một tác giả kịch bản – đạo diễn sân khấu, ít ai ngờ rằng người đàn ông đa tài ấy chính là người chịu trách nhiệm trang điểm cho hầu hết hình ảnh các bộ sưu tập áo dài của thương hiệu áo dài Sĩ Hoàng – cũng là người thầy của anh.
Đến với nghề trang điểm xuất phát từ trăn trở của một nhà thiết kế chuyên về áo dài, đòi hỏi sự kiểm soát tối ưu trên tổng thể từ dung mạo đến sắc diện của một pose ảnh về áo dài đã khiến Đình Hải tự mày mò, học hỏi mà thành nghề. Anh trở thành chuyên viên trang điểm đặc biệt chuyên sâu về các phong cách trang điểm phù hợp với trào lưu áo dài từng thời kỳ trong lịch sử. Dưới đôi tay anh, sống lại những dung nhan một thời của lịch sử áo dài, từ lối vấn tóc của tiểu thư Hà Thành những năm đầu thế kỷ, đến lối trang điểm đài các, sắc sảo của phụ nữ Sài-gòn những năm 50, hay nét hoang dã hiện sinh của những cô gái hippy đầu thập niên 70…anh cũng chính là người đã giúp người mẫu Trang Nhung hóa thân thành bà hoàng cải lương Thanh Nga đài các và đăng đối, và “người đẹp Bình Dương” trứ danh Thẩm Thúy Hằng.
PV: Để trang điểm cho phụ nữ Việt Nam, nhất là khi đi đôi với trang phục áo dài, liệu có một khuôn khổ nào cho một vẻ đẹp thuần Việt?
VĐH: Phong cách trang điểm của mỗi nước, mỗi khu vực được quyết định bởi điều kiện khí hậu, tố chất của làn da, và khung xương tự nhiên điển hình của khu vực đó, kết hợp với tiềm thức của quan niệm về cái đẹp của xã hội đó. Do đó, kỹ năng trang điểm thì khó có thể gọi là “kỹ năng trang điểm Việt”, nhưng kỹ năng, phong cách ấy phải được áp dụng để tạo nên nét đẹp mang tính thuần Việt, được người Việt chấp nhận.
PV: Là một CVTĐ chuyên sâu về hình ảnh thuần Việt và chiếc áo dài, anh nghĩ sao về quan niệm rằng một người phụ nữ thuần Việt nên là một khuôn mặt giản dị, khiêm tốn và đẹp tự nhiên không son phấn?
VĐH: Trang điểm hoàn toàn không đồng nghĩa với sự diêm dúa. Người ta có thể vẽ nên trong hình dung của mình một dung nhan hoàn hảo, tự nhiên của một sắc đẹp thuần Việt, nhưng đối với tôi, đó chính là một lớp nền thật mịn khéo, Khả năng trang điểm tự nhiên như thế đòi hỏi công phu và sự hiểu biết, không chỉ tôn vinh nhan sắc mà còn chứng tỏ sự khéo léo, tinh tế lẫn nét làm dáng rất đáng yêu đặc trưng của phụ nữ. Làm sao mà không yêu được! Hơn nữa, những nét nhấn nhá tinh tế sẽ khiến cho người đối diện không những ngưỡng mộ vẻ đẹp ngoại hình, lại ít nhiều hiếu kỳ khi phải tự hỏi “Phải chăng nàng không dùng phấn sáp?”. Mà vốn dĩ, sự tò mò luôn là “dịch vị” hiệu quả nhất của sức quyết rũ, chiếc áo dài của ta sở dĩ gợi cảm như vậy phải chăng chính vì nó kín đáo, “gợi” nhiều hơn là “mở”?
Vậy nên câu hỏi sẽ không phải là  hay không có trang điểm, mà vấn đề là trang điểm ra sao.
PV: Trang điểm như thế nào là sai?
VĐH: Nhầm lần giữa trang điểm (tôn vinh nét đẹp riêng) và hóa trang (trở thành một ai đó, hay cái gì đó khác)
PV: Là một CVTĐ chuyên làm việc với các shot ảnh về áo dài cách tân và áo dài phục chế qua từng thời kỳ, theo anh, phong cách trang điểm của giai đoạn nào sẽ làm anh hứng thú nhất?
VĐH: Vì là người đến với nghề do nhu cầu của ngành thời trang và sau này là sân khấu, nên tôi thường làm việc với các yêu cầu tái tạo lại khuôn mặt, vẻ đẹp từng thời kỳ của phụ nữ yennhiViệt Nam – từ kiểu trang điểm cung đình đến các nhân vật của thập niên 50 – 60. Nhưng nằm ngoài yêu cầu công việc, sự hứng thú không nằm ở phong cách trang điểm mà ở giây phút được ngắm nhìn những giai nhân một thuở được tái hiện sống động và vẫn thuyết phục sự rung cảm, ngưỡng mộ trong cái nhìn của thẩm mỹ đương đại. Đó là giây phút những người hoài cổ như tôi được chính tay níu giữ về giữa đời thường những dung nhan của thời quá vãng.
PV: Vậy theo anh, nghệ thuật trang điểm có khả năng tạo ra không gian, rung động cảm xúc tiềm thức, liệu nó có thể tác động cả đến phong thái và hành vi của chính người phụ nữ đằng sau lớp trang điểm ấy?
VĐH: Đúng hơn là bản chất và trạng thái cảm xúc quyết định phong cách và hành vi, do đó chi phối luôn cả phong cách trang điểm, thể hiện. Một cô gái trẻ trung sôi nổi sẽ có xu hướng ưa những màu sáng và lối trang điểm cập nhật mới nhất, một quý bà sẽ lại thiên về nét đằm thắm, màu trầm, nhã, không vì để “đằm” mình lại, mà vì tính cách đặc thù của họ sẽ khiến họ lựa chọn như vậy. Nên nhớ, trang điểm không là sự khiên cưỡng, nghĩa vụ mà là sự lựa chọn của phụ nữ và họ sẽ rất cực đoan với sự lựa chọn ấy.
PV: Vì sao hầu hết các CVTĐ nổi tiếng là nam giới?
VĐH: Vì chính nam giới mới là người thích màu mè và mỹ phẩm. Đó là lí do vì sao phụ nữ dùng đến màu sắc của mỹ phẩm để quyết rũ họ (!)
PV: Trang điểm là lựa chọn của phái đẹp, nhưng đôi khi, những người đàn ông của họ không hưởng ứng lắm với sự lựa chọn đó. Một số các quý ông vẫn tỏ ra không cảm tình lắm với việc vợ mình trang điểm phấn son rườm rà, tuy rằng vẫn sẵn lòng ngó theo một bóng hồng trang điểm long lanh ngoài phố?
VĐH: Tôi không phải là người đàn ông đó. Cũng vẫn có những người phụ nữ chiều chồng mà giữ khuôn mặt mộc không phấn son, đó cũng sẽ không phải là người tôi muốn lấy làm vợ. Tôi sẽ giữ cho nàng quyền được làm đẹp và giữ cho mình quyền được ngưỡng mộ cái đẹp.
PV: Nam giới có nói thật không, khi họ nói “Anh vẫn yêu em, ngay cả khi em không trang điểm”?
VĐH: Có thể, một là nếu người phụ nữ đó đẹp thật hoặc người đàn ông đó yêu thật, hoặc cả hai.
Quan sát anh khi chăm sóc cho shot ảnh tái hiện nhan sắc Thẩm Thúy Hằng qua khuôn mặt người mẫu Trang Nhung, và khi anh lặng lẽ đứng ngắm “nàng Thẩm” vừa sống lại, sinh động trên từng khuôn hình, giữa ánh lóe lên hãnh diện của một họa sĩ trước tác phẩm vừa hoàn tất và vẻ đau đáu của một kẻ ngưỡng mộ cái đẹp quá vãng, tôi có được cho mình, khoảnh khắc ấy, chân dung tuyệt đối giữa một Đấng Tạo hóa và một tín đồ - một chuyên viên trang điểm.

2 nhận xét: