Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Tôi là Thiên-Sứ!


interviewNgười ta đã quá quen về câu chuyện lập thân lập nghiệp của anh cũng như cách phục sức cực đoan của anh. Tôi đến gặp gã khổng lồ nhỏ thó ấy, sau khi lần theo lịch trình của anh tận thương xá Eden – thủ phủ của Cửu Long Jewelry ra đến tận Vincom City Hà nội và suýt bị hụt mất anh một lần nữa. Và tôi được cho biết rằng mình có khoảng 30 phút để có được hình ảnh của một mặt cắt khác trên viên đá đa diện ấy.  
Ngoài chức năng thực dụng duy nhất là để được tích lũy và trao đổi như một loại tiền tệ thì nữ trang hoặc trang sức quý chính là một trong những phát minh phù phiếm nhất của loài người. Anh nghĩ sao về quan niệm này?
Không sai. Trang sức có thể là phù phiếm nhưng nhu cầu là có thực. Và nhu cầu ấy không đợi đến khi người ta thành đạt về mặt tài chính mà ngay cả người có thu nhập thấp vẫn có nhu cầu làm đẹp đấy thôi.
Mặt khác, trang sức, ngoài giá trị thực dụng và giá trị tinh thần ở góc độ thẩm mỹ, còn là dấu ấn của văn hóa – văn hóa quốc gia và văn hóa con người. Đối với riêng tôi, đó còn là một sứ mệnh. Vào thời điểm năm 2004, tôi ngộ ra điều này khi chợt nhận ra rằng đã không có một trường phái nữ trang kim hoàn riêng đặc thù Việt Nam. Vào lúc ấy, các tiệm kim hoàn nhỏ lẻ trong nước chưa thật sự xem trọng yếu tố kiểu dáng trong các món đồ họ làm ra và tôi tự khoác vào mình một sứ mệnh là phải làm nên một cuộc cách mạng để khai mở một kiểu dáng đặc thù Việt Nam cho sản phẩm nữ trang trong nước. Và đó là điều đương nhiên phải xảy ra. Đối với bất kì sản phẩm nào, ngành nghề lãnh vực nào, rồi cũng sẽ đến thời điểm của những cuộc canh tân. Và vào lúc ấy, tôi tự hỏi: nếu mình không làm thì ai sẽ làm? Nếu mình không đứng lên, hô hào cổ súy, mình không nói, thì ai nói? Và tôi đã trở thành người tiên phong cho cuộc cách mạng ấy như một điều tự nhiên. Bởi tôi sinh ra, mình làm nghề vào đúng thời điểm đó và suy nghĩ đó đến với tôi, vậy thì tại sao không? 
Sản phẩm của anh không hề rẻ, ít nhất là so với mức tiêu dùng tại Việt Nam. Vậy yếu tố nào quyết định cho sự xa xỉ ấy trong giá thành sản phẩm: chất liệu quý hiếm, kỹ thuật chế tác công phu hay độ tinh xảo của hiệu quả thẩm mỹ?
Cả ba. Để tác phẩm kim hoàn ấy tồn tại, đòi hỏi vai trò của cả ba vị trí: người nghệ nhân làm ra nó, người thương gia kinh doanh nó và người tiêu dùng sở hữu nó phải đầu tư cả tâm, lực và tài chánh để kiến tạo và trân trọng sản phẩm – tác phẩm ấy. Sự đầu tư ấy ở cả ba vai trò phải rất lớn để có thể có được một món nữ trang thật sự có giá trị văn hóa nghệ thuật. Nhất là giữa một thời buổi thị trường, khi mà người ta có thể dễ dàng làm ra một món trang sức với mẫu mã thông dụng bất kỳ, rồi cộng thêm dăm ba ngàn tiền công thì làm sao có thể có được cái giá trị đó? Tôi đã từng day dứt với suy nghĩ đó mỗi khi xem trên phim ảnh, hay qua báo chí về những bộ sưu tập nữ trang vài triệu Mỹ kim. Tôi tự hỏi: vì sao ta có thể làm ra một sản phẩm tương tự như vậy nhưng lại không tạo ra được một giá trị như thế? Chưa ai làm thì tại sao mình không bắt đầu làm? 
Xin phép được quay trở về với “cuộc cách mạng” đã được nói ở trên, qua bộ sưu tập gần đây của anh với sự ứng dụng họa tiết có từ di sản văn hóa lên nữ trang kiểu dáng hiện đại, điển hình là mẫu mề đay mặt trống đồng . Anh đã dựa trên những cơ sở nghiên cứu nào để đầu tư chất xám cho ý tưởng này?
Trong bộ sưu tập này có rất nhiều sản phẩm đa dạng ứng dụng họa tiết có từ rất nhiều nguồn tư liệu phong phú từ nhiều thời kỳ, triều đại khác nhau trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Ngay cả phong cách dung hòa cũng có sự linh hoạt. Trên một số sản phẩm, tôi đã sử dụng hoàn toàn ảnh hưởng truyền thống dựa trên những di sản như hoa văn trống đồng, Văn miếu Quốc Tử Giám, chùa Một Cột,… nhưng trên rất nhiều sản phẩm khác, đó là sự thể nghiệm của phá cách trong kiểu dáng, họa tiết, khiến nó gần gũi hơn với gout thẩm mỹ đương đại và giàu tính sáng tạo hơn.
Hãy tưởng tượng, khi du khách đến Việt Nam, thăm Hồ Gươm và được kể nghe câu chuyện rùa ngậm gươm, và được giới thiệu với những sản phẩm du lịch cao cấp như con rùa bằng vàng chẳng hạn? 
Anh đang mộng về một ngành công nghệ du lịch xa xỉ?
Tại sao không? Bill Gates sang Việt Nam, và ông ta hoàn toàn thừa khả năng sở hữu bất kì món sản phẩm nào của Cartier, Tiffany,…nhưng nếu ông ta nghe một truyền thuyết sinh động và sẽ bị chinh phục bởi một con rùa bằng vàng. 
…với giá rất cao đối với đa phần đối tượng khách du lịch đến Việt Nam – những người không phải là Bill Gates?
Một tỉ phú bị chinh phục sẽ thuyết phục những người khác. Và một con rùa bằng vàng với giá vài trăm USD không phải là quá lớn. Như tranh Van Gogh chẳng hạn, có những bức hàng chục triệu USD nhưng ngày xưa ông chỉ bán với vài trăm USD. 
Vậy có nghĩa là anh đang muốn nói rằng ai cũng có thể sở hữu một sản phẩm của Cửu Long Jewelry?
Nếu làm được, tại sao không? Tổng thống Mỹ uống Coca Cola và mọi người dân thường cũng vậy. 
Vâng, Coke là một thương hiệu giải khát phổ biến, còn Cửu Long Jewelry lại chuyên về sản phẩm nữ trang cao cấp.
Tại sao em không chịu tin rằng mọi người đều giàu? Tôi thì tôi tin và hy vọng tất cả mọi người đều sẽ giàu, điều đó đáng mừng chứ? 
Và trong cộng đồng cùng giàu ấy, Cửu Long Jewelry sẽ ra sao khi không còn thị phần thượng đỉnh của mình nữa?
Ta sẽ có Cửu Long VIP, Cửu Long Economic, Cửu Long For Kids,…tại sao không? Vấn đề là ở Việt Nam, phân hóa xã hội chưa cao. Nhưng một khi tầng lớp xã hội phân định rõ ràng hơn, khoảng 10 năm nữa, ta sẽ có những dòng sản phẩm nữ trang Cửu Long cho người nghèo với giá trị chỉ vài chục USD/sản phẩm. Chiến lược của tôi vẫn là tập trung theo thứ tự từ cao đến thấp cho đến khi đạt được một sự linh hoạt trong lựa chọn cho thị phần đối tượng 
Sự liều lĩnh trong kinh doanh cũng như thể tính táo bạo phá cách trong nghệ thuật – đều có rủi ro của nó. Được biết quá trình tìm tòi của anh để thai nghén ý tưởng ứng dụng họa tiết truyền thống lên nữ trang mất hai năm, nhưng cũng được biết rằng anh không hề là một nhà sử học hay một tiến sĩ mỹ thuật, anh có tự tin vào cơ sở nghiên cứu và phương pháp ứng dụng của mình?
Thật ra, mọi sự nghiên cứu đều là khập khiễng. Điều quan trọng là hiệu quả làm ra chấp nhận được, mình có thể hài lòng với điều mình đã thực hiện được. Ngay cả các công ty tập đoàn lớn, khi nghiên cứu thị trường chẳng hạn, họ cũng chỉ có thể tập trung một phần vào đối tượng được nhắm tới chứ đâu thể nghiên cứu thăm dò trên hàng tỷ người. Mọi chân lý đều chỉ mang tính tương đối. 
Thưa anh, chẳng hạn như trống đồng. Có thể xem đây là hình ảnh biểu trưng của lịch sử lập quốc và di sản văn hóa quốc gia, anh có e rằng liều lĩnh dễ trở thành khinh suất?
Chưa chắc. Sáng tạo là sự phá cách, cách điệu, đâu việc gì phải sợ sự khinh suất mất đi tính nguyên bản. Tôi không hề nói rằng tôi phục chế nguyên bản, mà công việc tôi làm ở đây là việc hiện đại hóa, thời trang hóa giá trị đó lên. 
Trên sản phẩm nữ trang mặt trống đồng, các họa tiết kỹ hà đã được tiết giảm đi, hiện đại và mang tính biểu tượng hơn. Liệu điều này sẽ làm lu mờ ý nghĩa và tính thiêng liêng của di sản này?
No. Chúng ta là những nhà thời trang, những nhà doanh nhân, chúng ta là thế hệ trẻ, phải có nghĩa vụ duy tồn sự sống cho di sản văn hóa, từ đó mà truyền tải tiếp cho các thế hệ sau. Để được vậy, giá trị văn hóa truyền thống phải có được sức sống với tính xã hội hiện đại. Nó sẽ không thể sống được nếu nó không phục vụ cho cuộc sống. Và nếu để nó chết đi thì chúng ta phải tội. 
Thị phần tiêu chí của dòng sản phẩm này là ai?
Họ là những người đã vượt qua ngưỡng nhu cầu cơm ăn áo mặc và tìm đến nhu cầu hướng đến văn hóa của sản phẩm, thể hiện tính nhân văn của bản thân, thể hiện cá tính riêng biệt. Đó là bất cứ ai muốn có cho mình một ngôn ngữ thể hiện riêng, nét riêng độc đáo. 
Anh là một nghệ nhân hay một nhà buôn?
Tôi chỉ là một người bình thường thôi. Cái mệnh tôi sinh ra để làm kẻ truyền tải thông điệp, như một người đưa tin
Tin từ đâu gửi đến đâu?
Từ thế hệ này qua thế hệ khác
Như một thiên sứ?
Có lẽ vậy…Vâng, tôi là một thiên sứ.
Kể từ khi nào anh ngộ ra sứ mạng này?
Từ khi tôi sinh ra. Vì từ lúc ấy tôi đã là người Việt Nam với giá trị và trách nhiệm truyền tải cho thế hệ sau những giá trị tinh thần dân tộc, để mãi về sau, con cháu chúng ta hiểu được về cái trống đồng, về áo dài, về công dung ngôn hạnh.
Vậy anh đang khoác vào trọng trách của một nhà xã hội học hay giáo dục cộng đồng?
Nghe to tát quá. Tôi chỉ là một thiên sứ.
Việc đưa hình ảnh trống đồng lên sản phẩm nữ trang hiện đại cũng là một trong những công việc của một thiên sứ?
Đúng vậy.
Vậy công việc đó có được tiếp triển hay không, ngay cả khi nó không mang lại lợi nhuận cho thương hiệu Cửu Long?
Có những sản phẩm được tạo ra không vì lợi nhuận. Có những con người sinh ra không để làm kinh tế. Tôi sẽ vẫn cứ làm thôi, vì nó mang lại lợi ích cho những sản phẩm khác gần gũi hơn. Nhưng tôi tin vào hiệu quả thực tế của những sản phẩm đó. Tôi tin nó sẽ được đón nhận và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh hoàn toàn lạc quan?
Điều đó là chắc chắn mà không cần phải lạc quan mới biết được. Nó đã xảy ra và sẽ lặp lại. Nếu không, tôi đã chẳng ngồi đây ngày hôm nay. 
Anh tìm đến khách hàng hay tìm đến tri kỷ đồng tâm?
Cả hai. Khách hàng ủng hộ tôi, và người tri kỷ trân trọng thành quả sáng tạo của tôi. 
Nhưng nếu tri kỷ không thể là khách hàng? Anh có sẵn lòng hy sinh lợi nhuận để phụng sự nghĩa vụ thiên sứ?
Tôi tin là những sản phẩm của mình đều phải đạt hiệu quả thương mại, đều phải sinh ra lợi nhuận, được ủng hộ và có người mua, có người sử dụng. Đó là điều chắc chắn. 
Anh cho rằng đó là sản phẩm hay tác phẩm?
Tất cả những thứ tôi làm ra đều là những tác phẩm 
Vậy liệu anh có làm ra những sản phẩm tiêu chí nghệ thuật, tính nhân văn rất cao nhưng với chất liệu không đắt tiền?
Có chứ. Như chiếc áo dài của tôi chẳng hạn. Nó được bảo đảm về tính thẩm mỹ và văn hóa nhưng không cần phải sử dụng những chất liệu vải đắt tiền
Nhưng còn với sản phẩm để bán ra?
Đó là tương lai.
Những tri kỷ không có quỹ tiêu dùng cao sẽ phải chờ đợi anh trong bao lâu để trở thành khách hàng?
Hãy đợi đấy! 
Trang sức được xem là một hình thái thể hiện thông điệp cá nhân, để tôn vinh ưu chất riêng (tài sản, hình thức, địa vị,…). Nếu vậy thì đồ trang sức không chỉ được sử dụng dưới hình thức nữ trang kim hoàn thuần túy mà còn là phương tiện, phong cách, lối sống,… hay chính là hình thức “trang sức nhân cách” vậy. Là người sáng tạo và kinh doanh sản phẩm trang sức, anh có gì để trang điểm, tôn vinh hay hóa trang cho chính mình ngoài sự thành đạt và hiệu quả kinh doanh?
Từ trước đến nay, tôi vẫn ưa chuộng những loại xa xỉ phẩm như kẹp cravat bằng vàng, vỏ viết bằng vàng,…và mặc dù không trực tiếp đeo các loại trang sức thông thường. Chúng là những món trang sức kim hoàn cho tôi sự thuận lợi, cảm giác tự tin và phù hợp với địa vị bản thân.
Còn nói đến nhân cách. Vẻ đẹp của nhân cách phải là tâm hồn. Và không có tâm hồn nào đẹp bằng tâm hồn có văn hóa. Và tôi phải tự trang bị cho mình một tâm hồn có văn hóa. Đó như một cái phao giá trị khiến người ta có thể nói được, giao tiếp được một cách dễ dàng, lịch thiệp, để thể hiện và khẳng định được bản thân. Vậy thì chiếc áo dài này, hay chẳng hạn sản phẩm mề đay mặt trống đồng chính là những món trang sức nhân cách để thể hiện văn hóa tâm hồn của tôi. 
Nữ trang đắt tiền luôn khiến người ta nghĩ đến…nữ trang giả, trộm cắp, đến cảm giác bất an và sụ nguy hiểm. Trong lịch sử ngành kim hoàn, đã có những món nữ trang gia bảo bị nguyền rủa, những viên kim cương huyền thoại gây tai họa. Vẻ đẹp và sự đắt tiền của nó khơi gợi lòng tham, kích thích ý muốn chiếm hữu. Điều này có xảy ra với trang sức nhân cách? Người ta có thể chiếm đoạt, ăn cắp hay làm giả một giá trị tâm hồn hay một giá trị văn hóa?
Hoàn toàn có thể. Nhưng hiệu quả tô điểm của những nhân cách giả, giá trị văn hóa bị ăn cắp hay tâm hồn sao chép này cũng chỉ trong một chừng mực, một khoảng thời gian nào đó cho đến khi bị phát hiện ra, bị đào thải hoặc lên án. 
Vậy anh đầu tư chất xám để thiết kế mẫu trang sức nhân cách riêng cho bản thân mình ra sao?
Ví dụ như mẫu áo dài tôi hay mặc. Không thể chợt thích mặc áo dài thì mặc, một cách ngẫu hứng. Điều này đòi hỏi sự hiểu biết, nghiên cứu và tìm tòi về nó. Tôi yêu áo vest của phương Tây. Nhưng rồi nó không nói lên được điều gì về tôi cả. Tôi cần nói cho mọi người biết mình là ai và mình làm gì. Thế là tôi nghiên cứu tìm tòi về áo vest, về manteau, về cả áo dài. Cái áo dài của mình nó cũ kỹ như vậy, nó luộm thuộm như vậy, nó xấu như vậy, vậy thì phải làm sao để đưa được cái mới, cái đẹp vào. Từ suy nghĩ đó, tôi đã cùng bàn bạc với nhà thiết kế Sĩ Hoàng làm sao để không sử dụng tơ hoặc gấm mà đưa chất liệu áo vest vào áo dài. Sở dĩ áo dài xấu như vậy là vì nó đã không được may vừa vặn cho người mặc mà may rất rộng sao cho ai mặc vào cũng được. Tôi đã yêu cầu mẫu áo mới này phải được đo ni đóng giày cho vừa vặn với hình thể của mình. Mẫu áo đầu đã phải được thử và sửa chữa điều chỉnh rất nhiều lần mới hoàn tất được.
Cũng như văn hóa vậy. Con người ta cần có thời gian tìm hiểu về văn hóa dân tộc một cách thấu đáo để có thể yêu, có thể tự hào về nguồn gốc của mình được. Và cũng như rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống, nếu không thật sự yêu một điều gì đó, sớm muộn gì anh cũng sẽ chán. Tôi mặc áo dài không phải để đối phó với đối tượng gặp gỡ mà vì tôi yêu nó, mặc dù có thể lúc này đây tôi đang cảm thấy rất bất tiện. Nhưng tôi hiểu nó, yêu nó nên tôi vẫn mặc. 
Những thứ để trang sức thường là những thứ vướng víu cồng kềnh và bất tiện. Có lúc nào anh cảm thấy bối rối hay mệt mỏi vì mặc áo dài không?
Có chứ, như lúc này đây chẳng hạn.
Anh có muốn cởi nó ra không?
Không. 
Thương hiệu Cửu Long Jewelry nổi tiếng với kỹ thuật chế tác tinh xảo và số lượng sản phẩm hạn chế để bảo đảm tính độc đáo. Sự phát triển của dây chuyền công nghệ trong sản xuất nữ trang có làm giảm giá trị và tính độc đáo của sản phẩm?
Không hề. Các phát minh kỹ thuật tiên tiến phải được xem là phương tiện hỗ trợ cho cuộc sống. Xe hơi không làm hại con người, nó giúp người ta di chuyển nhanh hơn nhưng một cỗ xe ngựa có vẻ đẹp riêng của nó, còn việc đi bộ thì tốt cho sức khỏe. Trong ngành kim hoàn cũng vậy, sự hỗ trợ của máy móc đóng vai trò rất lớn trong chất lượng cuối cùng của sản phẩm. Khả năng tăng số lượng sản phẩm của dây chuyền công nghệ giúp giảm giá thành và tạo ra những dòng sản phẩm rẻ tiền hơn cho rộng rãi đối tượng thị phần hơn. 
Trong cuộc sống, những cá thể khác biệt như thể hàng nữ trang độc bản lại có thể được coi là dị biệt. Nhưng lịch sử thường được làm nên bởi những cá thể đặc biệt này. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi cá thể đều nói như nhau, hành xử như nhau, cùng làm cách mạng như nhau? Điều gì sẽ xảy ra nếu một ngày nọ anh tạo ra thành công một phong trào mặc áo dài và thấy mình đứng giữa đám đông những người giống hệt mình?
Tôi sẽ vẫn mặc áo dài. Vì tôi là người Việt Nam. Vì tôi yêu áo dài. Nhưng tôi đâu phải là người Việt Nam duy nhất, và tôi không hề có quyền sở hữu riêng tình yêu áo dài. Mọi người khác đều có quyền chọn yêu hoặc không yêu, đó là việc của họ. Và tôi sẽ không thể hòa lẫn vào đám đông đó, tôi sẽ khác biệt ở cái cách tôi mặc, kiểu hoa văn trang trí,… tôi mặc áo dài để nói với thế giới rằng tôi là người Việt Nam, nhưng đối với những người Việt khác, tôi đâu cần phải khẳng định điều đó. Tôi nói tiếng Việt thì họ biết tôi là người Việt thôi. 
Anh là một người Việt cổ súy cho tinh thần ái quốc, một doanh nhân ý thức được tầm quan trọng của nghệ thuật tạo hình ảnh thương hiệu khác biệt hay một kẻ lập dị cần sự ghi nhận?
Phải là cả ba. Phải là kẻ dị biệt mới có đủ tự tin để mặc áo dài, nhất là vào những lúc như lúc này. Miễn là cái lập dị ấy phải có nền tảng là tình yêu hòa quyện cùng giá trị tự thân. 
(một trong những bài viết đầu tiên cho tạp chí Tinh Hoa)
Hùng Cửu-long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét