Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

nostalgia



Hà-nội,
ngày tôi đi... 
Chỉ còn nhớ mùi hoa nhài buổi sớm, 
long tong tiếng guốc ngoài sân gạch,
và chị tôi,
Tóc vấn trần vén lệch vành tai
Photobucket
Gần ba mươi năm,
em làm công dân thế giới
lớn lên từ bát xôi xéo gần nhà
Ấy cũng non ba thập kỷ,
Chị tôi vẫn nấu lá gội đầu
Rồi đau đáu chôn tóc xanh,
... chị đợi!
Photobucket
Ba mươi năm,
Phố cổ làm du lịch,
Chị tôi tóc vẫn vấn trần.
Hàng phố giờ gọi chị là nữ hoàng ngớ ngẩn
Ngạo nghễ thiết triều trên di tích hoàng cung
Photobucket
Ba mươi năm,
em vẫn hay gọi "Chị ơi!"
Khi nhác thấy lưng áo dài trên phố
(thời nay, chị biết không, Lê Phổ cùng Le Mur đâu còn tân thời nữa)
Tiếc mãi dáng lưng ong
em ngẩn ngơ,
chấp chới
níu đôi tà.
Photobucket
Ba mươi năm,
em vẫn thầm gọi "Chị ơi!"
mỗi khi giữa tiết trời đông
hơi thở dài thoảng mùi như hoa sữa
Tiệm sách cũ biết giờ còn mở cửa
Kẻo vàng hương lẩn thẩn, chị lại thở dài
xót chút tàn
văn hiến Tràng-an
Photobucket
Ba mươi năm có lẻ,
Tất tưởi,
Em chạy về tìm chị của riêng em
(hay em về tìm em, chả rõ)
Quên vị kem bờ hồ
cũng chẳng còn đâu lanh canh tàu điện
Hiệu áo cánh giờ bày bán đồ chơi Trung - Quốc
Va phải màu sơn xanh balcon sắt cuốn
Đau đáu
vói nhìn,
Em thê thiết gọi:
"Chị ơi!"
Photobucket
Rồi thì,
em vẫn gặp chị đấy thôi
lúc này, lúc kia trên phố
Kim anh trang đài một thuở
rồi chắc cũng lạnh lùng, lạ lẫm lúc sang thu.
Giữa phấn sáp của văn minh, tân kỳ cùng Âu hóa
Photobucket
Rồi thì,
em vẫn gọi "Chị ơi!"
Sau mỗi khóe tai vén lệch
tóc vấn trần
 
Hoài Anh
 
(Bài thơ này nguyên bản được chép tay, gửi tặng em Quý-Phương – thư ký tòa soạn tạp chí Tinh-Hoa, như một lời xin lỗi vì đã vô tình ra lời thóa mạ quốc sỉ khi cùng em đứng trước tàn tích hoang phế của một tòa biệt thự cổ. Lời xin lỗi và trân trọng trước cơn giận của em, cũng là lời trần tình cho cơn giận riêng tôi – tôi ái quốc, theo cách của riêng tôi, dẫu có lần tỏ ra khinh suất trong cực đoan duy mỹ.
Về sau em chọn đăng làm text cho chính bộ ảnh Hanoi Daily tôi làm stylist đợt ấy, bên trong có hình ảnh ngôi nhà cổ đã nhắc ở trên.
Lấy cảm xúc bởi một lần trà dư tửu hậu với Hoàng Thành – gã bạn gai góc lấc cấc Hà-nội, cùng tôi một lần tiếc tưởng hương hỏa đất thanh lịch Tràng-an.)
 Photography project: Hanoi Daily for Tinh Hoa Magazine
Photographer: Thiện Hoàng
Model: Minh Châu
Stylist: Hoài-anh
Text by Hoài-anh

Trích thư từ chia sẻ với Hà-nội Xanh về ký ức Hà-nội và kỷ niệm về bộ ảnh và bài thơ:

Hồi xưa, (ôi, giá như tôi sinh ra và sống thật nhiều trong cái “hồi xưa” ấy!) người Việt ta lành lắm. Phàm tự tâm, thời đại nào chả có vài thằng ác, đứa gian, ấy nhưng cái lời lẽ chu chuẩn “dạ, thưa”, kẻ có học, người trí thức được trọng thị, luôn gọi là “thầy” là “cô”. Kỹ lưỡng ra, phải tùy tuổi, coi phụ nữ có chồng thì trọng vọng gọi là “bà”. Đàn bà con gái nước ta, động ra đến mặt đường, phải o hàng xén cũng tong tả vạt áo dài, về sau các bà các cô đài các ra đường, tóc uốn điện, giày cao gót tay xách bóp đầm, cũng một bề áo dài nhưng cũng tân tiến lắm, cũng tây lắm, mà vẫn mồn một cái đài các thanh tú đàn bà nước Nam.
Cái ngày xưa của nước Việt ấy, thực dân đế quốc có án bề bề giữa lộ, có văn minh âu hóa tới đâu, mấy thầy thông cô ký có làm sở Tây sở Mỹ, vẫn tròn vành rõ chữ tiếng nước nhà.
Cái ngày xưa của nước Việt ấy, trò nhỏ lên lớp trên dẫu có được xưng “tôi”, được kêu bằng “anh”, bằng “chị”, vẫn nhu nhã cái nếp cúi đầu khoanh tay thưa gửi, vẫn nền nã ấp e tấm áo cánh che đậy làn da con gái sau một lượt áo dài, cặp táp ấp ngang ngực ấy là ý tứ giấu đi phù hiệu thêu trên ngực hòng tránh chuyện bị dõi theo chòng ghẹo.
Cái ngày xưa nước Việt, gia phong ngay giữa đô thành cũng không quên cái lễ khi khách, dẫu thân sơ, sang thì chung trà mà dẫu nghèo cũng ly nước. Bàn thờ ông bà cha mẹ nằm ngay gian chính điện cho ấm cúng gia trang. Ngày xưa ấy, lưu vết đến nay, ngay dưới ngưỡng cửa, đoạn ngay thềm, là thanh gỗ (nay mấy gian cổ tự Hội an vẫn còn, nước lên đen bóng), chả phải gia chủ cắc cớ đùa dai gạt giò khách lạ, cũng không phải chuyện ngăn chuột chống mèo, mà đơn thuần ấy là cái lẽ: Phàm viễn khách đáo gia, bước vào là đối diện ngay bàn thờ song thân phụ mẫu chủ nhà, dẫu muốn dẫu không, dẫu phương xa khó lòng rành rẽ tập quán bản xứ, âu cũng phải tòng nếp mà cúi đầu lúc bước vô. Kẻ hậu sanh khi nghe kể, ngộ ra chuyện này mà tấm tắc khen tiền nhân rằng sao hay, sao mà ý tứ, và sao mà kiêu hãnh thế từ gia phong cho chí quốc sỉ!
 
Có bận năm rồi về Hà-nội viết bài và làm bộ ảnh, do có lần đướng trước cổ tự điêu tàn, xót ruột mà bật ra mấy lời tiếng ngoại quốc nhiếc trách dân cư ngụ, do dốt mà thành ác. Có người bạn nghe được (bạn này là thư ký biên tập bên tạp chí nhà), giận lắm, về sau có nói lại rằng “Cái sĩ của dân mình, có đau có giận cũng không phải để mang ra bỉ bai cùng người ngoại bang. Có giận có đau, thì phải viết, viết bằng tiếng nước nhà, viết cho dân mình đọc, đặng hiểu, đặng sửa sai cảnh tỉnh, chớ đâu có lối phủ nhận riềng mối máu đỏ da vàng mà quay lưng lại, khác gì kẻ thiển cận mọn tài đứng bất lực khoanh tay oán trách thời cuộc!”. Nghe xong, thấy mình sai, phần vì phục người đồng nghiệp nhỏ tuổi mà rất khéo…gạ bài, nên trong đêm viết bài này làm text cho bộ ảnh nọ, cũng xem là một lời tạ lỗi, phân minh
 
Ba tôi người Huế, mẹ là con gái Hà nội. Tôi sanh ra ở cố đô Huế nhưng lớn lên ở Sài-thành, giữa hai khoảng giai đoạn ấy là những mảnh ký ức mỏng tang của những năm đầu đời, khi nhà tôi ra Hà-nội ở (ắt để mẹ tôi ở gần bà ngoại, cũng vì công việc của ông thân tôi khi ấy). Những mảnh ghép mong manh mập mờ mùi hoa nhài nhà ngoại tôi ở Lý Thường Kiệt, có cái cầu thang gỗ mà tôi mỗi lần nhìn thấy lại rất sợ, vì thấy nó to to, tối tối…ang ác, có màu xanh của balcon sắt uốn như tấm ren tinh xảo trên mấy căn nhà thời Pháp. Tôi mang máng nhớ những khi ba tôi cõng tôi lên vai tản bộ ra cái mà tôi gọi là “công viên con cóc” (ắt hẳn nhà tôi xưa phải gần đây lắm do trong kí ức của tôi, ba đã cõng tôi đi bộ suốt ra đến công viên). Trong những nhập nhằng hồi tưởng ấy, là đoạn đê đường Thanh Niên mà với một đứa trẻ như tôi khi ấy, là cả một cái đồi cỏ thoai thoải thênh thang, một bên là cỏ xanh và gió se se, phía bên kia là dãy tường ố vàng của dãy nhà to trông buồn, già và u uất. Hà-nội của tôi còn là bát bún ốc nước trong vị thanh thanh nhẹ nhõm, quả cả muối đến rúm ró quăn queo mà đậm đà đến tận chân tóc, cốc đỗ đen không có cái ngọt hào sảng đến dư dật của chè miền Nam, mà thanh như tiếng, như người, như trời Hà-nội.
Về sau, khi lên concept cho bộ hình Hanoi Daily và viết bài thơ Nostalgia (lấy làm thớ lợ lắm cách bày tựa nạc mỡ của mình, nhưng tại thói quen chọn ngay từ đầu tiên đến trong đầu làm tựa, về sau được tòa báo sửa lại thành Chị Tôi, nghe giống tựa bài ca, nhưng thôi kệ!), tôi vẫn thắc thỏm nhắc nhớ lại hết những hình ảnh quá vãng ấy.
3 tuổi, tôi lớn lên làm con gái Sài-gòn nhưng có cái biệt tài tùy người đối diện mà dùng giọng Bắc, giọng Nam bộ hay giọng Huế, cái nào cũng lơ lớ, lai lai, nhưng được cái về chốn nào nơi 3 thành phố lớn cũng dễ bề hòa hợp mà nhập gia.
Ấy nhưng lần nào cũng vậy, ra Bắc công tác cũng chỉ được dăm ba hôm, khi về vẫn nắc nỏm thòm thèm bởi nỗi chưa được ngụp lặn cho thỏa trong cái không khí vừa quen vừa lạ ấy, chưa có buổi rảnh rang mà tìm ghé qua coi thử chốn xưa liệu còn nhắc nhớ gì không những mảnh mỏng tang kí ức tôi ép kỹ trong tiềm thức thiếu thời. Hà-nội vẫn “sống” quá, trôi nhanh và ồn ào, không dừng lại cho tôi được ngắm kỹ đặng mỏi mòn tìm nét thân quen. Vậy nên, mỗi bận về, lòng lại càng đòi đoạn cơn hoài cố, nhớ lại càng nhớ thêm.
Rồi mãi cho đến về sau, được vời về làm cho một tạp chí tại Hà-nội, nhờ cái duyên may được ban biên tập cưng chiều trọng dụng, lại nhiều việc cậy nhờ nên có lắm dịp được lưu lại khá lâu, thậm chí có lần còn được mời cân nhắc chuyện chuyển hẳn ra Bắc để tiện cho công việc.
Nhớ lần chụp bộ ảnh Hanoi Daily, tôi tham lam với ước nguyện chả gì hơn là hối hả tom góp lại những nét còn nét mất, cậy nhờ kỹ thuật nhiếp ảnh tân kỳ, hòng mong lưu giữ lại cho kịp, kẻo nuối tiếc khi về sau mai một.
Một kỷ niệm không quên của chuyến làm ảnh lần ấy là chuyện về chiếc áo cánh. Thương tiếc cái duyên nền nã, kín đáo của chiếc áo cánh bằng phin nõn mà mẹ tôi kể lại rằng bà ngoại vẫn khâu tay cho các con gái. Vậy mà giữa lòng Hà-nội, tôi mất trắng một ngày ròng mải miết tìm nơi mua chiếc áo cánh phin nõn. Đến được địa chỉ có người tốt bụng mách cho thì đã tự khi nào là cửa tiệm bán đồ chơi Tàu cho nít nhỏ. Cùng đường, hỏi liều bà chủ nhà, nghe từ “áo cánh”, bà “scan” tôi từ đầu dưới chân như nhìn một con nhỏ hoặc là “ở bển mới về, trển mới xuống” hay “ở dưới mới lên”, hoặc tệ hơn là “ở trỏng (nhà thương) mới ra”. Tôi cảm ơn (?) và đi ra sau lời mắng “Ăn mặc như dân Sài-gòn mà hỏi lạ thế?”
Chuyện thứ hai là việc quyết định về kiểu tóc. Tôi khăng khăng muốn được nhìn lại cái gáy cong, cái khóe tai trang nhã sau nét tóc vấn trần kiểu cách ngày xưa, nhưng không một hair stylist nào của Hà-nội làm tôi hài lòng. Chỉ đến buổi sáng cuối cùng, may mắn cậy được người chuyên hóa trang của hãng phim đến làm tóc cho cô minh tinh Minh-Châu, tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận.
Dự tính chuyển đổi phương án tóc sang lối bánh bẻ. Lại hàng chục cú điện thoại, những chuyến đi tận mọi ngõ ngách Hà-thành, được cái được tòa soạn cưng chiều nên tôi huy động mọi anh em trong tòa soạn cùng tham gia vào cuộc “truy tìm hiện vật” rầm rộ và quy mô. Nhưng mọi cố gắng đều đã không tìm ra được cho tôi một chiếc cặp ba lá. Chỉ một chiếc cặp ba lá.
Than ôi Tràng-an thanh tú trong tôi, giờ phải chăng chỉ còn là hiện vật, là lớp hóa trang giả hiệu vụng về, là giả cách ngô nghê mất gốc?
Tôi ra về với một nỗi sợ, mỏng tang như những ký ức thiếu thời của mình vậy, rằng đã có một điều gì đó, nhỏ thôi, đã mất đi trước khi tôi kịp sờ tay vào, được ướm thử lên người cái cảm giác “hè thì mát, đông lại ấm áp” như mẹ tôi từng kể. Một điều gì đó, nhỏ thôi, như bàn tay bà tôi thoăn thoắt vấn lượt tóc nuột nà quanh đầu, nửa dung dị nửa trang đài. Hay thậm chí chỉ mấy lá nhôm lá thép kẹp lấy mái tóc đàn bà con gái cho chân phương kẻ chỉ…
 Tôi muộn rồi chăng?
 Vồ vập ôm vào lòng, những muốn biến thành của riêng để ấp yêu bảo vệ, tôi đặt để vào đấy hình ảnh vườn hoa con cóc, cái mũ cối bộ đội, nét tóc bánh bẻ, vấn trần duyên dáng ngày xưa, cái phối màu ố của tường vàng và xanh xỉn của balcon sắt, cái mùi giấy của hiệu sách cũ ọp ẹp thiếu sáng, cả cái huy hoàng quá lứa của một Hà-nội đang mất dần, loãng dần, ô tạp dần. Tôi thiết tha níu giữ trong ngậm ngùi thực tế của thời gian và thời cuộc
 Có ai đi giữa lòng kinh đô văn hiến, ngậm ngùi nhìn một tòa lầu dãy chết trong một nhan sắc đã từng hoàng kim nay hoang phế đến rợn người?
 Có ai đi giữa lòng Hà-thành, đã bao giờ chợt muốn thắp một nén nhang cho một ngôi cổ tự?
 Có ai đi giữa lòng Hà-thành, chợt muốn hét lên kêu cứu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét