Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Chuyện Chiếc Giày



RedHighHeels
Một nửa của thế giới tôn trọng giày dép các loại. Người ta luôn cần một cái gì đó, một cặp càng hay, để dẫm chân lên.
Một nửa còn lại của nhân loại không tôn trọng giày dép các loại. Họ tôn sùng chúng. Tổng thể nhân dạng tướng mạo họ biến đổi khi họ xỏ chân vào những đôi giày của mình. Và những người quanh họ cũng biến đổi theo – trở nên thấp bé hơn một chút.
Đó là nguyên nhân đầu tiên vì sao chúng ta có giày cao gót và giày thời trang nói chung các loại.

Huyền thoại Và Tiềm thức

Mọi trẻ bé, nít nhỏ sinh ra là con gái đều trên một lần mơ đến hình ảnh của một chiếc giày thủy tinh của cô Lọ lem hay chiếc hài thắm của cô Tấm, mà chỉ vẻ yêu kiều mỏng manh tinh xảo của nó đã có thể làm nháo nhào nhịp tim của một vị quân vương, vả bàn chân duy nhất có thể xỏ vừa chiếc giày ấy đã dẫn lối cho một cô gái nghèo lên ngôi hoàng hậu của tuyệt đỉnh hạnh phúc và quyền lực.
Trẻ nít gái lớn lên, và đặt mọi tâm ý vào hình thức đôi giày họ đi dưới chân như một tập quán giới tính đặc thù của họ. Đám đàn ông con trai thì bị hấp dẫn giới tính bởi mọi thứ liên quan đến kiểu giày mà phụ nữ đi dưới chân, cả cách mà cô ta xỏ chân vào, hay rút chân ra, thuật ngữ gọi là foot fettish.
Nếu một người đàn ông nói với bạn rằng họ không thích phụ nữ đi giày cao gót, và chỉ thích những cô gái đi đôi giày thấp, thoải mái, năng động và thân thiện, thì tin tôi đi, anh ta hoặc là lùn hơn mức bình thường, hoặc có những ấn tượng tiêu cực với giày cao gót vào thời thơ ấu.
Vậy là từ một câu chuyện cổ tích, giày cao gót đã thay đổi hành vi tình dục nhân loại, can thiệp vào sự phát triển dân số và tỉ lệ tội phạm của phần lớn cư dân thành thị.

Kỳ quan Của Sáng tạo

Không có gì chuẩn xác hơn khi nói rằng giày cao gót chính là dấu chấm của chữ “i”trong từ “fashion”. Đó là viên kim cương trên chiếc vương miện, trái cherry đỏm dáng trên đỉnh ly kem phù hoa. Giày không là tất cả của thời trang, nhưng sẽ không thể có một bộ trang phục hoàn thiện nếu thiếu một đôi giày hoàn hảo.
Đến đây lại nhớ đến hình ảnh nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng mượt mà phồn thực của thập niên 70, mình bận bà ba cổ tim, dưới là quần lãnh ống rộng đen nhánh rất Nam bộ, tóc uốn quăn, tay xách ví đầm, chân đi giày cao gót một tấc, trông thật đài các và gợi cảm theo kiểu nửa tân thời, nửa hương xưa. Kì diệu một điều là cũng bộ bà ba ấy, chỉ cần dưới chân thay vào đôi dép xốp là thoắt cái đã hóa thân thành bà bán trái cây dạo hay mấy bà cán bộ xã thời bao cấp.
Bạn có thể điểm trang sang trọng, mình vận mẫu haute couture mới nhất của nhà Dior, nhưng nếu xỏ dưới chân là đôi dép nhựa tổ ong thì coi như tất cả phần còn lại của bộ trang phục, của chính bạn, không còn giá trị gì nữa ngoài tính khôi hài. Nhưng dẫu chỉ là một chiếc áo sơ-mi giản dị và chiếc quần jeans tầm thường kết hợp với một đôi Blanik gót mảnh 7 phân, giá gấp 3 lần cả bộ trang phục, thì bạn vẫn hoàn toàn có thể tự tin xuất hiện tại bất cứ buổi chụp hình nào của Vogue, Bazaar hay Elle.
Nếu chỉ được giữ lại một món trang phục duy nhất trên người mà vẫn bảo toàn phong cách thời trang, thì đó nên là đôi giày cao gót.

Thăng hoa Trong Thống khổ

Phụ nữ luôn rên rẩm sau mỗi ngày làm việc hay mỗi buổi dạ vũ rằng đôi giày cao gót của họ đang giết họ. Nhưng họ sẽ không bỏ cuộc cho đến cuối ngày. Loại phụ nữ không chịu được cơn đau đến độ tuột giày ra và đi chân đất sẽ bị đồng loại nhìn với ánh mắt lên án và miệt thị.
Người ta thường hồ đồ cho rằng phụ nữ ưa đi giày cao gót vì chúng khiến họ cao lên, và vì vậy, tốt hơn hết là họ nên đi loại giày đế xuồng (nôm na hình dung là loại giày đế bằng, phía trước lẫn phía sau đều dày đến cả tấc), đi vào cho cao, theo kiểu một người lùn đứng trên hai ổ bánh ngọt vậy. Thiệt thiển cận, hồ đồ lắm. Nếu giày dép đắc dụng, thoải mái và thăng bằng đến vậy, thì chúng chỉ còn là một tạo vật tầm thường mà thôi. Jimmy Choo – tên tuổi lẫy lừng trong các thương hiệu hàng đầu thế giới về giày thời trang đã phải tuyên bố “Một đôi giày không làm bạn đau thì đó chỉ là một vật dụng tầm thường thứ cấp”. Nếu đi giày cao gót chỉ để cao thì chẳng khác gì anh đi kết hôn với một cô gái chỉ để làm cho cô ta đẻ con, hoặc anh đổ chai vang lâu năm vào một cái tô sành to rồi cắm ống hút uống cho đã khát vậy.
Thiết kế tinh xảo và cực kì thông minh của giày cao gót có thể khéo léo thay đổi cả hệ xương xẩu tứ chi trên cơ thể người ta. Các cơ phía sau cơ thể được dồn lại, săn chắc hơn, ngực vươn cao và việc giữ thăng bằng sau mỗi bước đi khiến người phụ nữ đung đưa phần hông, là một động tác cực kì phức tạp đòi hỏi kinh nghiệm và thậm chí luyện tập.
Bản thân mỗi đôi giày cao gót phải là một tác phẩm.
Mỗi chuyển động trên đôi giày đó phải là một nghệ thuật.
Và những người phụ nữ trên đôi giày cao gót là những nghệ sĩ khéo léo và gợi cảm.

Quẳng Gánh Lo Đi Mà Mua Sắm!

Giày cho phụ nữ sự thăng hoa tinh thần. Quý bà quý cô có chuyện bận lòng ư? Họ sẽ không chạy ra nhà thuốc hay quán nhậu. Họ đi mua giày. À không, không phải với việc nhấc điện thoại và nói cỡ giày như việc gọi nhà hàng mang lại một cái bánh pizza, hay lùng thông tin trên mạng và đặt mua online như thể mua bán cổ phiếu hay bất động sản.
Mua giày là từ để chỉ tổng thể cả một quá trình phức tạp và đầy cảm xúc của việc xem ngắm, chọn lựa, phê bình, đi thử, đứng lên ngó kiếng, đi tới đi lui, và lại thử, và lại đứng lên ngó kiếng, lại xà quần đi tới đi lui…Đó là liên tu bất tận những trạng thái tinh thần của hào hứng khi bước vào cửa tiệm, của thờ ơ khinh miệt khi lướt ngang những đôi giày không hợp nhãn, của run rẩy thổn thức khi họ gặp một đôi ưng ý, của khốn cùng tuyệt vọng khi cửa hàng không có mẫu giày họ muốn với đúng size của họ, và của ngắc ngoải hi vọng và tưng bừng phấn chấn khi họ lại xỏ chân vào một đôi khác, v.v…
Đi mua giày còn có nghĩa là cảm giác u mê khi người ta có nhận thức về việc thanh toán mà không có cảm giác về con số, khi tiền bạc thật sự mất đi giá trị thực của nó, và giá trị tinh thần của cái đẹp lên ngôi. Giá trị vật chất tầm thường (tiền) được quy ra giá trị tinh thần (giày). Đó là tột đỉnh vinh quang khoan khoái, của bản năng chiếm hữu được thỏa mãn khi đón nhận đôi tuyệt phẩm ấy đựng trong túi giấy, trang trọng trao cho họ từ tay nhân viên cửa hàng – lúc này mặt mũi rạng rỡ với cách thức người ta hay dùng để trao tượng Oscar vào tay một minh tinh.
Quá trình chọn mua, sở hữu một đôi giày tượng trưng cho một sự bắt đầu mới tràn trề hi vọng. Nó không chỉ thay đổi dáng bộ người ta, nó khiến họ hứng khởi khi nghĩ đến những dịp để diện nó vào, làm mới mình cho phù hợp với đôi giày mới, và phấn chấn hơn khi nghĩ đến những cơ hội tiếp xúc mới và ảnh hưởng của dáng vẻ mới sẽ gây ấn tượng ra sao trong những mối quan hệ mới đầy tiềm năng ấy.
Nỉềm tin, sự lạc quan và những kì vọng tái sinh đều có thể bắt đầu khi một người phụ nữ đi mua giày. Cho đến nay, vẫn không rõ ai sáng chế ra giày cao gót, nhưng bậc thầy sáng tạo ấy đã giúp cho hậu thế mãi về sau hạn chế đáng kể tỉ lệ các trường hợp trầm uất và các ca tự tử ở phụ nữ.

Phương tiện Thống trị Của Phái Mạnh, Hay Vũ khí Chinh phục Của Phái Yếu?

Ai là người sáng tạo ra đôi giày cao gót đầu tiên của nhân loại? đó vân là thắc mắc không có câu trả lời.
Nhiều người quan tâm đến vấn đề này tin rằng một cấu trúc logic và tinh tế như giày cao gót chỉ có thể được nghĩ và làm ra bởi một người đàn ông. Họ tin rằng giày cao gót là sáng chế cực kì thông minh của nam giới dành cho phụ nữ, khiến họ trở nên xinh đẹp, đương nhiên, nhưng với dụng ý chính là khiến họ không thể chạy nhanh được, khiến họ lúng túng mất thăng bằng và kém năng động hơn, hạn chế khả năng thống trị của nữ giới và biến họ thành phái “đẹp” và “không mạnh”.
Nếu quả thật như vậy, thì đúng đây là kiểu thông minh của đàn ông.
Họ là những người thợ giày khéo léo, những nhà phát minh uyên bác, và những nhà chiến lược tồ trong cuộc chiến quyền lực giữa hai nửa của thế giới. Chức năng làm đẹp của giày cao gót thoạt tiên được xem là chức năng phụ và hoàn toàn chỉ mang ý nghĩa thuyết phục, khiến phụ nữ dễ dàng chấp nhận giày cao gót.
Nhưng một điều đã không được cân nhắc đến – đó là nam giới, sau khi phát minh ra giày cao gót, họ trở nên say đắm vẻ gợi cảm nó tạo nên cho phụ nữ, và các nhà sáng chế của giày cao gót lại trở thành đồ đệ thành tín của nó.
Ngay từ giây phút đầu tiên phụ nữ xỏ chân vào giày cao gót, họ nghiễm nhiên trở thành những kẻ thống trị lênh khênh. Họ gõ gót quyền lực qua lại trong văn phòng và dễ dàng tống một vị sếp đạo mạo ra tòa vì tội quấy rối tình dục. Họ đung đưa trên đôi gót nhỏ như đầu đũa và cả thế giới rùng mình, thành trì xã giao đổ gục, thanh niên mất tự do, giá trị hôn nhân bị lũng đoạn, tội phạm tăng vọt, các chính trị gia bị bôi nhọ, một số nam giới trở thành giới tính thứ ba và cũng đi giày cao gót, còn cánh đàn ông tử tế còn lại lao động cần mẫn để chi trả hóa đơn mua sắm của các bà vợ.
Nếu các đảng phái tổ chúc đấu tranh cho quyền bình đẳng giới có một linh vật để thờ phụng, thì đó nên là một chiếc giày cao gót.
Cho đến nay, vẫn không ai rõ đôi giày cao gót đầu tiên được làm ra bởi ai, nhưng nếu đó là một người đàn ông, thì một lần nữa, họ đã tự tạo ra rắc rối cho chính mình. Và, như quả bom sex Marilyn Monroe nói “tôi không biết ai đã sáng tạo ra giày cao gót, nhưng hết thảy đàn ông trên thế giới nên mang ơn ông ta”. Chí ít, nhờ vai trò đáng kể của giày cao gót, thế giới được đặt vào tay của những kẻ thống trị chuyên nghiệp hơn, và gợi cảm hơn.
Bài viết trên đây không được yêu cầu hoặc bảo trợ bởi bất kì thương hiệu giày thời trang hay tổ chức nữ quyền nào.

1 nhận xét: