Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Boy's Toy


23.legendary iconAi bảo nam giới không mê đồ trang sức và những tiểu tiết phụ trang lỉnh kỉnh? Chính ra, nam giới chính là kẻ mê muội những món phụ trang phụ kiện rắc rối và đôi khi phù phiếm.  
Ngay từ nhỏ, khối cậu bé chỉ cần một thanh kiếm và một con ngựa là đã thành hiệp sĩ, ông Gióng sẽ chẳng có nếu không vì có gốc tre làm roi, có con ngựa sắt, Tôn Ngộ Không thì không có hồ lô thiết bảng thì không oai. 
Về sau, tinh thần sùng bái phụ kiện của nam giới càng được nâng cấp về phần phức tạp và rắc rối. Mẫu người hùng thời đại - chàng điệp viên hào hoa không thể thiếu lỉnh kỉnh trên người những món đồ chơi công nghệ cao tối tân. Quý bà mê mẩn chàng điệp viên lịch lãm, còn quý ông thì bị ám ảnh bởi những món phụ kiện tinh vi của cái gã bóng bẩy may mắn ấy. Cụ thể là mỗi lần chàng James Bond tái xuất màn bạc, tự nhiên mắt kiếng nhà Tom Ford, khuy manchette nhà Dupont, hay đồng hồ Seamaster Omega bán bon bon ngoài thị trường dù đã được chánh hãng bổn tiệm đe nẹt trước là hàng limited edition mắc lắm, đừng mua! 
Và một khi đã lưu tâm đến chi tiết phụ trang, họ có chiều còn tỉ mỉ hơn cả phụ nữ. Khi các bà các cô chành chọe nhau, ra điều quý phái chỉ với chiếc túi designer to khổ khoác chần dần trên vai, hay cục hột xoàn vạm vỡ trên ngón tay, thì quý ông thấu lẽ lịch thiệp, chỉ liếc sơ nhau chiều dài múi cà-vạt hay một phần nắp chiếc bút máy thòi ra từ túi áo cũng đủ để nắm mạch nhau mà phân tầng chia cấp. 
Đấy là chỉ mới nói tới phụ trang. Còn bàn về phụ kiện thì đó là cả một thế giới linh tinh, mắt kính, đồng hồ, bút máy…và thời nay là hi-tech toys (đồ chơi công nghệ cao). Điện thoại, laptop, xe…nhất thảy đối với các người hùng thời đại đều là thiết bảng, là gốc tre ông Gióng. Dẫu không đeo tòn teng trên tai, không mang khoác trên mình nhưng chính những món tinh vi này thỏa mãn phủ phê cho các quý ông cái đam mê bẩm sinh về cơ khí, về mọi sự vi diệu của điện tử và cảm giác mãnh liệt của quyền lực. 
Là những cậu nhỏ sống lâu, đàn ông bao vây cuộc sống quanh mình bằng sự tiện nghi mang màu sắc kì thú của chủ nghĩa tôn thờ sức mạnh tối thượng: sức mạnh tri thức của khoa học  công nghệ, và sức mạnh tài chánh để sở hữu sản phẩm khoa học công nghệ. Không như phụ nữ, là những tín đồ tuẫn tiết của giày và túi, nam giới lựa chọn phụ kiện để phụng sự họ, để thụ hưởng mọi chức năng tinh thần và vật chất mà chúng mang lại. 

Nhưng bởi phàm hễ James Bond cưỡi Alfa Romeo, hay Batman cặp kè với Robin, thì ngài Don Quijote de la Mancha cũng thửa cho mình con nghẽo Rocinante với gã Sancho Panza đi theo điếu đóm trên đàng hành hiệp. Có thể dọa nạt thiên hạ không được, nhưng thôi thì cũng có được một ngài Don Quijote tự tại, vừa khôi hài vừa đáng thương, thậm chí ít nhiều vẻ lãng mạn dễ thương của lí tưởng anh hùng phân liệt. 
Và cũng như những cậu nhỏ sống lâu, có đám chơi đánh trận, bày trò hơn thua, yếu mạnh mà xưng vương tôn hậu, thì cũng có đám chơi trò tướng cướp, trò hóa trang thành ông cọp ông lân dọa chó dân phòng hay đi xin kẹo hàng xóm.  Ngày nay cũng không thiếu các ông, các cậu nỗ lực mua sắm trang bị tối tân những món tinh xảo, giá trị chức năng tuyệt hảo công phu cũng có khi chưa được (hoặc chưa biết cách) khai thác hết. Nhưng phàm nỗi hễ giao thương giao kèo, họp hành, ve vãn… là cạy cục cũng phải chạy được con xe cho láng lẫy, nhấc chiếc điện thoại lên dẫu chỉ để nói và nghe thì cũng phải ra chiều phi phàm rổn rảng cả nội dung điện đàm lẫn hình thức phương tiện. 
Riết thành quen, thành nghiện, thành ra không thể thiếu. Có ông thiếu cái blue tooth cắm tai lại thấy như mình ở trần. Ấy vậy mà gặp người nhà quê thật thà hỏi làm sao nên nỗi mà phải dùng đến trợ thính thì mắng xa xả ngay cho là rõ đồ nhà quê. 
Cái sự hưởng thụ thành ra nặng nề lúng túng. Lỉnh kỉnh xách xách mang mang nào xích nào còng. Ngượng nghịu như gái quê tập cầm dù, xách bóp đầm, đi giày cao gót. 
Đến đây lại nhớ chuyện chiếc cà-vạt lụa của giáo sư Trần Văn Khê. Chiếc cà-vạt lụa được khâu và vẽ tay bởi một họa sĩ mà ông quý trọng và tặng bởi một hồng nhan tri kỷ vong niên trước khi bà khuất núi. Thầy hay mặc quốc phục nên không có mấy dịp đeo, nhưng yêu quý lắm nên thường thi có dịp lại mang ra kể lại chuyện cố nhân. Trộm nghĩ, đến gần cuối quãng đường Tri Lộ, vật kề thân để tự hào mãn nguyện với một quãng trăm năm, với tận chân cái lẽ hưởng thụ ở đời, đôi khi chỉ một mảnh lụa khâu tay, cũng đủ đong đầy trĩu nặng hơn gia sản đất đai, chứ huống chi vài mảnh kim khí long lanh thời thượng. 
Phụ trang nam giới, đôi khi là một thông điệp, được lựa chọn và sử dụng bằng trình độ và ý thức.
Phụ kiện nam giới, đôi khi cũng là một tài sản tinh thần, một ý nghĩa cảm xúc được vật chất hóa, tôn thờ nâng niu hơn là hưởng thụ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét