Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

người ta không sinh ra là đàn bà...


846040
Người ta không sinh ra là đàn bà, bởi đàn bà phải do trang điểm mà thành.
Đối với nhiều người, cái thời khắc cô gái nhỏ trở thành phụ nữ có lẽ được tính từ khi cái thiên chức làm đẹp nó thức dậy, chòi đạp và đòi được thò tay nghịch trộm thỏi son của mẹ.
Là phụ nữ, mấy ai không nhớ cái lần đầu háo hức vụng trộm chuyện phấn son. Ngỡ sẽ tìm thấy trong gương một hình ảnh hào nhoáng xa lạ, để thảng thốt khi lần đầu nhận ra chính mình vừa được khai sanh.
Thế là người đàn bà được sinh ra. 
Ấy chỉ là cái việc cường điệu, tô vẽ thêm cho cái nét thiên phú bẩm sinh. Chỉ là chuyện chấm phá thêm thắt cho chút đuôi mắt, khóe môi trên vóc diện sẵn có. Kẻ đối diện ngắm đã đành mãn nhãn, lòng lại thơ thới biết rằng người đẹp đã có lòng trau chuốt sửa soạn, chắc cũng có ý trọng thị. Vậy nên thời trước, các cô tân thời, mặt hoa da phấn hay được gọi là “lịch sự”.
Trang điểm đâu chỉ còn là chuyện làm duyên nữ nhi thường tình, mà thành cái lối ăn nếp ở, thành nết lịch thiệp, nét duyên của người thấu chuyện ứng xử xã giao. Do đó, ngẫm lại, cung cách trang điểm cũng là dấu hiệu của văn minh.
Nhưng, cũng như mọi sự ở đời, than ôi, cái sự điểm trang vốn dĩ của nữ giới nên cũng như họ vậy, phải đâu chuyện giản đơn như cái ý nghĩa chân thật của nó mà người ta vẫn tưởng. 
TỪ PHÉP NGỤY TRANG CỦA BINH THUẬT…
Bàn đến đây lại phải vòng quay về khởi sự của thủy tổ các loại mỹ phẩm trang điểm. Xưa kia, oái oăm thay, chính nam giới là những người đầu tiên sử dụng mỹ phẩm, nhưng với mục đích hoàn toàn khác. Các chiến binh ra trận, vẽ màu quằn quện lên mặt là để thêm phần bặm trợn, dễ bề trấn áp tinh thần kẻ thù, hay để dễ lẫn vào đám rậm mà ẩn mình, gọi là ngụy trang. Thời nay, cái căn nguyên kia vẫn còn tiềm ẩn sau mỗi lớp phấn điểm trang.
Không chỉ trang điểm để tăng sức chinh phục, để tự bảo vệ mình khỏi nắng nôi, khói bụi, đôi khi, trang điểm cũng là lớp ngụy trang trốn khỏi thời gian, che khuất nét u uẩn mỏi mòn của một ngày, một đời hỉ nộ.
Nếu ngày xưa, lớp màu ngụy trang vằn vện khiến người chiến binh ngó thấy mình hung tợn quá đỗi mà cũng say máu hung hăng ra đòn, khiến kẻ thù hoảng quá mà chịu khuất phục, thì phụ nữ cũng vậy. Bước ra đường son phấn chỉn chu, sắc diện tươi tắn, lòng nhủ lòng rằng mình đẹp thì khắc diện mạo càng rõ vẻ kiên hãnh tự tin, điệu bộ ắt trở nên nhặt khoan tao nhã. Trang điểm quá tay thì tự nhiên hành xử cũng có chiều nanh nọc, lẳng lơ, hay rủi gặp khi chểnh mảng phấn son, xiêm y luộm thuộm, sẽ tự thấy nản lòng, uể oải mà mất hết vẻ tinh anh trong diện mạo. Bởi vậy nên, quý ông chớ trách bà nhà khi dùng dằng tốn công phu tô lục chuốt hồng, mà nên tỏ ra hiểu biết và trân trọng giây phút chuẩn bị diện mạo của họ, vì đấy không chỉ là chuyện phù phiếm của dung nhan. 
…ĐẾN NGHỆ THUẬT HÓA TRANG CỦA KỊCH THUẬT
Xưa kia, ngôn ngữ thể hiện của trang điểm chỉ thể hiện qua chuyện đào kép vẽ mặt đóng tuồng, với những ngôn ngữ hình ảnh và màu sắc được ước lệ rõ rệt. Trung thần mặt đỏ, gian thần mặt trắng ngó vô thấy rõ vẻ khiếp nhược, đớn hèn, chẳng hạn. Bậc mẫu nghi thiên hạ thường bôi mặt trắng như tượng, mắt phượng mày ngài, theo lối khuôn mặt Phật bà trong tranh, trông càng muôn phần thoát tục, uy nghi. Chỉ hạng đào lẳng thì mới môi đỏ má hồng dễ bề lúng liếng đong đưa. Kịch sĩ bước ra sân khấu là khán giả đã rõ tông tích nhân vật, thiện tà chánh phụ ra sao. Ấy là trang điểm ở hàng nghệ thuật hoá trang. Tuy cường điệu hóa, nhưng nhất thống trung thành với nhân vật ẩn đằng sau lớp trang điểm.
Khi phụ nữ khám phá ra rằng họ có thể khiến đôi mắt một mí trở nên to hơn, đôi môi dày thành ra nhỏ xíu, chúm chím, trong khi khuôn miệng nhỏ cũng thành cặp môi dày mọng gợi tình, và làn da bị tàn phá lại thành tấm lụa nõn không tì vết. Người ta không còn chỉ cậy vào trang điểm mà biến đổi đường nét, mà cũng chỉ phấn sáp thường tình, người ta còn có thể thay đổi cả số phận, tính cách, hoặc thậm chí nhân cách. Nghệ thuật trang điểm giờ đây đã có thể cho ta hườm hườm nét mỹ nữ xứ củ sâm hay giai nhân Hướng-Cỏn. Hoặc giả, quý bà chớm buổi hoàng hôn nhan sắc, trang điểm cũng giúp hóa trang cho nét hao mòn tuổi tác cũng thành vẻ tươi tắn xuân thì. Ngược lại, từ cô thiếu nữ thanh tân, chỉ vài lượt dồi phấn thoa son cũng trông ra chiều sành sõi hào hoa.
Ấy nhưng phải chăng, chính sự chọn lựa của nhân cách sẽ điều khiển bàn tay tô điểm phấn son. Cuộc bàn luận về việc liệu tính cánh chi phối phong cách trang điểm hay chính lớp hóa trang tác động đến hành vi có thể kéo dài vô tận, nhưng hề gì, nếu người ta vẫn có thể nhận diện được tâm hồn nằm đằng sau lớp mặt nạ mĩ miều. 
Vậy hóa trang chăng nữa cũng chỉ là một lối tự kỉ ám thị đẹp mắt, và ngụy trang là một chiêu tâm lí chiến có hiệu quả chinh phục diệu kỳ.
...RỒI HOÀNG HÔN CŨNG ĐẾN, VỚI CẢ NHAN SẮC LÚC BÌNH MINH.
Chuyện trang điểm thường tình thì cũng chỉ để trau chuốt thêm nhân diện, pha phối chút vẻ điệu đàng khả ái cho mình, cho người, để được nhận dạng giữa muôn vạn mặt mộc mày trần. Như thể một diễn viên may mắn chọn đúng vai đo ni đóng giày cho mình vậy. Nhưng một khi coi chuyện trang điểm thành nghệ thuật hóa trang, hóa thân vào một nhân vật không tưởng tượng, xem khuôn diện thiên phú như thể miếng vải toan, tờ giấy trắng hòng vẽ vời lên đó một khuôn mặt mới, khéo léo đánh lừa thị giác người nhìn, và đánh lừa cảm giác của chính mình, kể cũng là cái thú. Như thể trong một vũ hội hóa trang vậy, khi người ta tự cho phép mình sắm thử vai ông hoàng bà chúa xênh xang, thử nhìn cuộc đời qua hai tròng rỗng của cái mặt nạ phấn sáp, người ta ắt sẽ thấy thật an toàn ẩn mình sau lớp bọc hào nhoáng, sau một khuôn mặt mỹ miều xa lạ và đầy quyền lực.
Chỉ ngặt nỗi, e rằng khi tiệc tàn ly cốc đổ, cái lúc mà ánh mặt trời đầu tiên rọi vào ê chệ của sự thật phấn hương rệu rã, người đàn bà nhìn vào chính mình trong gương không phấn sáp, sẽ thấy khó sống với chính mình hơn một chút. Tàn cuộc hương lửa, khi ái tình thức dậy kèm nhèm đến thật thà, từ phút đầu mặc cho người phối ngẫu phải ngắm vẻ mỏi mòn, những tì vết của thời gian trên nền da mộc đã tới hồi trễ nải phấn son, thi vị cũng chả còn để công phu chuốt lục tô hồng, ấy cũng là khi cái tương kính như tân đã nhuốm màu suồng sã. Đến lúc này mới thấu lẽ phù du của cuộc vui mong manh biết mấy. Nhưng đó là chuyện cô đào vụng đường tô vẽ, những ngỡ kịch đã buông màn nên không ca trọn câu Bất hứa nhân gian kiến bạc đầu.
Một nghệ sĩ điêu luyện bậc thầy sẽ lẫy lừng đến phút cuối, ngay cả khi còn lại một khán giả cuối cùng, để khi màn nhung cuộc vui khép sớm, còn có kẻ nuối tiếc bóng vàng son. Có đâu ê chề sụp đổ nhìn cảnh bà hoàng sân khấu thoắt đã nhợt nhạt phấn son, xiêm y chểnh mảng mà phụ bao công phu dồi phấn thoa son. 
Mỗi ngày như vậy, người đàn bà chọn vai diễn của mình, bước ra khỏi cửa như một nữ kịch sĩ bước vào vùng sáng sân khấu của một đại hí viện khổng lồ của nhân loại.

Và trước khi âm nhạc được tấu lên, trước khi kịp mắn màn múa may ra bộ tài tình, chỉ riêng diện mạo huy hoàng ấy đã xứng đáng được tưởng thưởng tung hô, hơn trăm lần một tấn trò hay mà hữu thanh vô sắc.
Hãy để những giọng thoại hay mà vụng về chỉn chu dung mạo cho đài phát thanh.
Và hãy để những đóa hoa nồng hương mà không màu không sắc lại cho người không may khiếm thị.

người đàn bà hát (phỏng vấn Cindy Thái Tài)


cindyKhông hẳn là trường hợp điều chỉnh giới tính đầu tiên của Việt Nam, nhưng Cindy Thái Tài có lẽ là trường hợp tiên phong lôi kéo sự chú ý của xã hội đến số phận và tài hoa của những con người chủ động lựa chọn ngã rẽ số phận cho mình vượt ra ngoài sự bài phối, không phải là luôn luôn chuẩn xác, của Tạo hóa. 

Định kiến của ấu trĩ đã đánh đồng họ là pê-đê, bóng…xen lẫn giữa ghê sợ, khinh nhờn pha lẫn háo hức, hiếu kỳ. 
Với hình ảnh của lần cuối cùng tôi gặp Thái Tài cách đây gần 15 năm – một anh chàng makeup artist, nhưng trông rất gan góc đầy nam tính, tôi tìm gặp một Cindy Thái Tài của những tâm sự đằng sau lớp phấn son và những tên gọi.
Sự Lựa chọn và Cuộc Đấu tranh 
Quyết định theo đuổi tình yêu và rời bỏ Việt Nam đã phải chịu khuất phục trước những cân nhắc về sự nghiệp ca hát và niềm đam mê làm nghề trang điểm của tôi tại đây. Tuy rất trân trọng chuyện tình cảm nhưng với tôi, điều mà tôi trân trọng nhất là chính cuộc sống của mình. Cuộc sống này, sự nghiệp này, khó khăn lắm tôi mới có được, nên tôi sẵn sàng đấu tranh để tận hưởng những gì tôi chưa từng có và đang có.
Tôi không phải là người đồng tính 
Có những người thuộc giới tính thứ ba, họ tìm đến với quan hệ đồng giới như một sự tìm thoát, như một hiện tượng đột biến của tâm lí, và đó là một sự thay đổi có điều kiện, chịu ảnh hưởng của biến đổi tâm lí hay xã hội, v.v…Nhưng đối với tôi, đây đã từ rất lâu là bản ngã bị kìm hãm. Nói một cách nào đó, theo tâm linh, Đấng Tạo hóa đã mắc sai lầm hay cắc cớ oái oăm khi tạo ra tôi, nhưng theo khoa học, đây là vấn đề đột biến của nhiễm sắc thể. Như những con tem có lỗi, chúng tôi chiếm một con số rất ít nhưng những người như tôi có tồn tại, như những con người có đòi hỏi được nhìn nhận, tôn trọng và yêu quý như bạn, như bất cứ ai.
Từ khi còn rất nhỏ, tôi đã biết tôi là một đứa con gái bị nhốt trong cơ thể một thằng con trai. Tôi không kỳ thị hiện tượng đồng giới, nhưng tôi không phải là người đồng giới. nhưng vì điều kiện không cho phép, tôi đã phải giam mình trong cơ thể đó như trong một cái nhà tù. Đối với hiện tượng đồng giới, đó là sự lựa chọn của họ. Còn trong trường hợp của tôi, đó đã không là điều tôi chọn xảy ra với mình. Rồi đến khi tôi đã làm việc và lao động để tạo cho mình được đầy đủ điều kiện để thực hiện một sự đổi thay, chỉnh sửa lại sai lầm oái oăm của Tạo hóa, tìm về với giới tính thật của mình, thì tại sao không?
Và giờ đây, tôi cảm thấy thật hạnh phúc. Tôi ra đường, hài lòng và tự hào với chính bản thân mình. Ngày xưa thì không như vậy, tôi đã phải luôn luôn e ngại và đề phòng trước sự hiếu kỳ và thô lỗ của những người không quen xung quanh. Rồi thì tôi cũng quen dần với việc này với suy nghĩ rằng tôi thương hơn là trách họ. Con người ta thường sợ những gì ngoài tầm hiểu biết của họ, và cảm giác bất an ấy chuyển hóa thành sự thù địch, thành định kiến mà thôi. Âu cũng là do hạn chế trong sự tiến bộ về ý thức và kiến thức mà họ có những hành vi hiếu kỳ, thô lỗ hay xúc phạm tôi.
Đó cũng là lí do vì sao mà tôi quyết định ở lại đây. Vì nếu tôi muốn được tôn trọng, tôi sẽ phải ở đây, lao động và làm việc thật sự để họ biết tôi là ai. Và tôi muốn cho họ biết về tôi vì tôi tôn trọng họ.
Tôi hạnh phúc mình phụ nữ, nhưng hơn thế, tôi là một người tự trọng 
Từ bé tôi đã đam mê ca hát, nhưng đến tận bây giờ tôi mới thật sự được thỏa mãn niềm đam mê đó của mình. Trước đây, nếu tôi muốn đi hát, tôi sẽ đóng vai trò một nam ca sĩ, và tôi đã không chọn điều đó. Đơn giản vì tôi không phải là như vậy. Khi hát, tôi cần được là chính mình, cần được diễn đạt đồng điệu với từng lời ca, từng động tác, từng cảm xúc, bạn sẽ nghĩ ra sao nếu nhìn một nam ca sĩ uốn éo trong bộ áo vest và nức nở léo nhéo ca giọng nữ?
Trước đây, trước khi quyết định chuyển đổi giới tính sinh học, tôi là một người đàn ông thậm chí rất nam tính, luôn ăn mặc trang phục khỏe mạnh và chững chạc của nam giới, vì tôi tôn trọng mọi người xung quanh. Vì đó là xã hội mà tôi sống, đó là sự chấp nhận và cho phép của nền văn hóa mà từ đó tôi lớn lên, đó là gia đình, là cộng đồng của tôi đòi hỏi tôi phải tôn trọng họ. Nếu khi ấy, với ngoại hình tu mi nam tử như vậy, nếu chỉ vì ao ước được một lần mặc vào chiếc váy hay tự trang điểm lên cho mình, tôi nhìn vào gương còn thấy chướng mắt thì hà cớ gì tôi bắt họ phải nhìn vào tôi và chấp nhận tôi?
Mỗi người có nhiều giá trị để tôn trọng, thì trong tôi, dẫu giá trị bản ngã, giới tính tâm hồn tôi có là gì đi chăng nữa thì cũng không thể lớn hơn giá trị của sự tôn trọng tôi dành cho mọi người xung quanh và giá trị cho lòng tự trọng của chính tôi. Vì vậy mà tôi phải tìm cách thỏa hiệp với vẻ ngoài của mình, với cơ thể sinh học mà số phận ban cho tôi. Tôi cho rằng tôi đã làm đúng vào từng thời điểm, dẫu rằng đối với tôi, có không ít một chút dối gian với chính mình.
Thời ấy, không những nhìn vẻ ngoài rất to con nam tính, mà tính tình tôi cũng rất nóng nảy, thậm chí là nổi tiếng là hay đánh nhau, mãi về sau này ai cũng phải công nhận là tôi trở nên điềm đạm và bình tĩnh hơn xưa rất nhiều. tôi cho rằng đó chính là sự bức bối bị giam hãm, ức chế mà tôi hành xử như vậy. Còn giờ đây, được hoàn toàn là chính mình, tôi trở nên tỉnh táo trước mọi vấn đề, mọi sự xúc phạm vì tôi biết, mình đã tồn tại qua một cuộc đấu tranh còn lớn hơn rất nhiều để được là tôi ngày hôm nay. Và tôi học cách hưởng thụ cuộc sống mới, số phận mới của tôi.
Quyết định điều chỉnh giới tính của tôi không chỉ cho riêng tôi, mà cho cả xã hội quanh tôi. Ngày xưa, tôi cho bạn một đứa con trai ngang ngược, cục cằn, bây giờ, tôi cho bạn một người phụ nữ ra dáng đàn bà, cũng có nhan sắc như ai. Nếu tôi đi bên người yêu tôi, bạn sẽ dễ nhìn hơn là nhìn cảnh hai thằng con trai đứng ôm hôn nhau giữa đường. thử nghĩ xem, nếu như bạn là tôi, bạn có dám bước qua tất cả mà quyết định như tôi không? Và qua đó, hãy tự hiểu mình trước khi bạn đánh giá tôi.
Những Người đẹp Quanh Tôi 
Là phụ nữ, tôi cũng có những người đẹp mà tôi ngưỡng mộ. quan niệm về người đẹp ngày nay cũng không khác gì một ngàn năm trước đây, sự khác biệt có chăng là độ phức tạp và sự đòi hỏi cao hơn tỉ lệ thuận với nền văn minh và sự tiến bộ. ngày trước, chỉ có ti vi đen trắng thì có hơn nhau chăng là độ sáng tối. Bây giờ, ti-vi có màu thôi chưa phải đã đủ, rồi thì phát sinh ra độ nét, độ mờ, rồi thì độ mỏng dày, rồi màn hình kết hợp với monitor, v.v… Người đẹp cũng vậy, nhưng nếu ngày xưa, ấy chỉ là thanh sắc và phong cách thời trang, hay số phận đặc biệt của các người đẹp làm nên huyền thoại thì ngày nay, cái đẹp cũng muôn hình vạn trạng. người thì thích vẻ phương Đông trắng trẻo, tiểu thư, người thì chuộng vẻ da ngăm hoang dã, hay vẻ thanh lịch thể hiện sự thành đạt hay trình độ, v.v…Nếu xưa kia, những giai nhân nổi tiếng được cả xã hội hay thậm chí cả thế giới biết đến thì bây giờ, mỗi người chọn cho mình một giai nhân thần tượng riêng để làm huyền thoại nhan sắc cho gout thẩm mỹ của riêng mình.
Riêng tôi, thì ngoài những phong cách, tên tuổi trên thế giới là J.Lo, Angelina Jolie hay Catherine Zeta Jones, thì riêng ở Việt nam, đó là Hà Anh, là Hồ Ngọc Hà,…đó là những người đẹp mà theo tôi, nếu chỉ nhờ nhan sắc bên ngoài, tôi đã sẽ rất chóng quên họ. Nhưng chính phong cách mà họ thể hiện, tinh thần của cá tính được bộc lộ một cách đẹp mắt nhưng chân thực mới thật sự là sức thuyết phục mà tôi cảm nhận được từ những người phụ nữ này.
Cũng có những luồng tư tưởng cho rằng vẻ mạnh mẽ, năng động, và tính độc lập của phụ nữ thời nay sẽ khiến triệt tiêu nữ tính, nhưng tôi không cho là như vậy. Ngàn năm trước cho đến ngàn năm sau, người con gái được sinh ra với một tiềm lực của bản năng giới tính vô cùng mạnh mẽ, và tôi nghiệm được điều này qua chính mình, thậm chí là một trường hợp được sinh ra khi cả gia đình và xã hội đều khẳng định điều ngược lại, đến cả hình bóng của chính mình trong gương cũng khẳng định tôi là thằng con trai, ấy vậy mà cái bản chất của nữ tính vẫn còn thôi thúc mồn một, thì tôi không hề lo ngại rằng một ngày nào đó, cái thiên chức của nữ tính trong mỗi người phụ nữ may mắn bình thường lại có thể bị triệt tiêu.
Đặc biệt như đối với chị Thủy Hương. Đây là một người đẹp mà theo tôi, pha trộn một cách hài hòa lí tưởng nhất giữa mang mác vẻ đẹp hoài cổ kinh điển của Việt Nam, vẻ đằm thắm nền nã khi chị lên hình, nhưng trong đời thường, chị lại có một phong cách rất Ý, hiện đại, đài các nhưng cũng rất năng động. Nếu có một người đẹp để đại diện cho quan niệm về người phụ nữ Việt Nam hiện đại thì theo tôi, chị Thủy Hương chính là hiện thân của vẻ đẹp ấy.
Số phận Và Tài hoa 
Không ít những tên tuổi nổi tiếng trong ngành công nghệ làm đẹp lại là người thuộc giới tính thứ ba. Vì trong họ, có sự khéo léo của người phụ nữ, nhưng lại hiểu thấu đáo góc nhìn của một người đàn ông. Nhưng điều quan trọng nhất là do con người của họ bị khép kín, bức bối và phát tiết qua tài năng, sự sáng tạo nghệ thuật. Cũng như thể người mù thường có xúc giác hay thính giác phát triển vượt trội vậy. Khi người nghệ sĩ không thể bày tỏ nỗi khuất tất trong tâm hồn, trong cuộc sống tình cảm thì với nhu cầu được thể hiện, sự bức bối ấy sẽ thoát xác qua tinh hoa tài năng.
Trong lịch sử đã ghi nhận rất nhiều trường hợp như vậy, không chỉ với đối tượng là gay hay ngành làm đẹp nói riêng, mà trong cả văn học, hội họa, các thiên tài vẫn luôn là những con người thiệt thòi về số phận, từ đó mà chúng ta có những bức danh họa, những bài ca, những áng văn chạm được đến sâu thẳm tâm hồn công chúng.
Người mẹ  
Không thể có được tất cả. Tìm về với chính mình nhưng tôi không chấp nhận hoàn toàn chịu khuất phục trước số phận khi không có được chức năng sinh nở.
Nhưng có một điều Số phận không thể lấy đi của tôi – đó là thiên chức làm mẹ. Trong khi vẫn có những người phụ nữ may mắn trời cho chức năng sinh thành nhưng lại không thể thực hiện bổn phận dưỡng dục. Và tôi tự khoác vào cho mình phần thiếu hụt ấy của họ, như một sự bù đắp công bằng.
Bé Bo về với tôi từ khi còn đỏ hỏn, và tình mẫu tử tôi dành cho Bo cũng là chuyện duyên nợ giữa hai mẹ con.
Đến bây giờ, tôi lại càng trân trọng thế hệ của bà, của mẹ, của các cô, các dì tôi càng nhiều hơn. Thế hệ của những người đàn bà Việt Nam son sắt, chịu đựng và hy sinh vì chồng vì con. Nhưng nghĩ theo một cách khách quan, tôi vẫn cho rằng số phận ấy, sự lựa chọn ấy của họ quá tiêu cực. Họ chấp nhận định kiến, không chấp nhận vượt qua bất bằng để vươn tới quyền được yêu cuộc sống, được hưởng thụ đặc ân của cuộc sống chính họ.
Là mẹ, với đầy đủ nghĩa vụ và tình yêu thương của một người mẹ như mẹ tôi đã dành cho tôi, nhưng tôi vẫn là Cindy Thái Tài của sân khấu, của sự nghiệp và của cả những dịp vui với bạn bè. Vì trong quan niệm của mình, tôi muốn là một người mẹ biết cách tận hưởng và trân trọng cuộc sống để giữ cho mình một tư duy xã hội thoáng đạt – điều sẽ giúp tôi trong việc giáo dục con, và làm bạn với con.
Nếu được lựa chọn, chị muốn xã hội biết đến mình như một người phụ nữ bình thường hay như một người phụ nữ có số phận không bình thường đã phải đấu tranh để được quyền làm phụ nữ? 
Nếu tôi được sinh ra một lần nữa, tôi ước giá như mình được sinh ra là một đứa con gái bình thường. Giá như đã không phải trải qua cuộc đấu tranh này. Tôi rất tự hào về những gì mình đã phải làm, nhưng bạn nhớ cho, đó là những gì tôi đã phải làm. Tôi sinh ra với số phận như thế, và là người lớn lên trong một xã hội bình đẳng, công bằng, tôi học cách tìm đến với sự công bằng cho chính mình.
Tôi không dám hi vọng bài viết này sẽ được đăng trên một số tạp chí với chuyên đề về phụ nữ, nơi mà hình ảnh long lanh của nữ tính phải được ca tụng qua những nàng "công chúa hạt đậu". Nếu quả vậy, cũng xin viết tặng một người bạn gặp lại sau 15 năm, xin viết tặng người đàn bà đã cương quyết từ chối vố chơi khăm của Tạo Hóa. 
Cindy & tác giả

manh áo văn nhân



audrey
Đẹp và giàu, hẳn nhiên muôn đời là ước nguyện của con người, và dẫu không mấy ai luôn có được sự song hành hoàn hảo ấy. Còn số ít may mắn những người có được cả hai thì sẽ phát sinh một nhu cầu khác, ấy là thể hiện ra điều đó hòng ve vuốt chút thị dục huyễn ngã. Nhưng để bù đắp, loài người phát minh ra một tạo vật có khả năng khiến người khác biết (hoặc tưởng)chí ít người ta cũng xây dựng được một ảo ảnh về nó hòng khiến thiên hạ biết (hoặc tưởng) họ đẹp và giàu thật - ấy là đồ trang sức.

Người ta đeo trang sức để làm duyên và để cho oai. Tùy khả năng và nhu cầu mà chọn. Cặp bông tòn teng bằng hột cườm tím rịm, ngoài chợ huyện bán 5 ngàn rưỡi một đôi ngó coi duyên duyên ngồ ngộ trên ráy tai mấy cô thôn nữ. Nhưng không oai. 
 Mấy cha xì thẩu cỡ bự Chợ Lớn đeo dây chuyền hàng nùi trên cổ, cọng nào cọng nấy bằng dây lòi tói, 24K đỏ ngay ngáy, ngó vô hết hồn chim én, dẫu khó lòng mà nói mấy chả coi mặn mòi đỏm dáng chi với cái nùi xích cam cam vàng vàng chạm khắc thô thiển ấy.marilyn
Rồi tuốt tận trời Tây, cô đào hát bóng Ma-Lệ-Liên Mộng-Lỗ (Marilyn Monroe), mình bận satin, ngó lẳng lơ hết chỗ nói, ca hát tưng bừng rằng hột xoàn là bạn bè chí hẩu của các o các mợ (Diamonds are a girl’s best friend). Và thế là người ta nghĩ ra những thứ trang sức có thể vừa làm duyên vừa ra oai, đại loại như xà bông gội đầu 2 trong 1 thời nay vậy. Tôi nhớ hồi nhỏ học tiểu học, đi bộ về nhà ngang qua gần tiệm bánh Jivral góc Đồng-khởi với đại lộ Lê-lợi bây giờ, bận nào cũng dừng lại ngó trân bức hình quảng cáo của hãng đồng hồ Longines có hình cô đào Ái-trân Hợp-bích (Audery Hepburn) hút thuốc tẩu dài điệu nghệ, tóc bới cao, miệng cười, ở dưới có dòng chữ tiếng Tây Elegance is an attitude mà khi ấy, kiến thức tiểu học của tôi chỉ đủ để hiểu kiểu bo bo trộn gạo lức: Sang cả nhờ bố láo. Tâm đắc lắm, tôi nhẩm suốt dọc đường. Về nhà phen ấy, tôi bị cha mắng cho một trận, không rõ vì tội cùi bắp hóa ngôn ngữ của nữ hoàng Ăng-lê hay vì tội lệch lạc tư tưởng đạo đức chánh trị. audrey
Trở về câu chuyện của trang sức, vậy là xuất hiện những hãng buôn lớn làm ra những món đồ vừa đẹp vừa sang, từ trước thưở tôi ăn mắng vì tội dịch ẩu đến nay, hãng nọ vẫn phây phây mần ăn thịnh vượng, bán hàng cho nam nhân nữ giới thượng lưu toàn cầu.  
Kể từ đó, mấy bà chủ tiệm kim hoàn Chợ Lớn vẫn giàu theo kiểu mua bán trao đổi Mỹ kim, vàng miếng và cầm đồ.  
Và cũng kể từ đó, con gái và con rể bà bán bông tai mủ ở chợ quê giờ vẫn báng hàng khô cùng đồ trang sức Trung-quốc. Gái quê đeo bông tai mủ, một số coi duyên quá nên lấy được chồng Tàu.  
Cái này mấy thầy tú cậu cử thời nay gọi là phân khúc thị trường. Nhưng rồi mấy hãng buôn đại gia cỡ Tỉ-Pha-Nhi (Tifany), Long-yến (Longines),…tài sản trù phú, phát triển thịnh vượng hùng mạnh quá, con bà bán bông mủ chuyển hẳn sang kênh xà bông, đồ hộp và dép xốp, mấy mợ kim hoàn chợ lớn bán tháo của nả ra nước ngoài đánh bạc, làm móng tay, mở tiệm phở,…kiếm bộn tiền. Mấy cô nhỏ ở tỉnh giờ đeo bông vàng hẳn hoi lại bị gọi là quê, là sến. Mấy ông xì thẩu không thèm đeo lòi tói nữa mà lấy tiền mua chiếc xe hơi thiệt sang chạy chơi, dân tình càng nể vía hơn. Có ông thì lấy tiền mua vàng đeo cổ đem mua điện thoại tân tiến tặng nhân tình (thường là mấy cô nhỏ tỉnh lẻ vẫn hay mua hàng chợ huyện ngày xưa), mang nhân tình vi vu đây đó bát phố, thiên hạ ngó vô nể quá, nức nở khen rằng ổng giàu ổng sang. Mà so với dây lòi tói, cô nhân tình còn có giá trị sử dụng đa dạng phong phú hơn ngoài chức năng dọa hàng xóm, mặc dù tuổi thọ sử dụng không bền bằng. 
Trung tâm thể dục thể thao huyện cũng cạy cục thửa cho được trong phòng truyền thống vài cái cúp vàng giải cờ ca-rô bán chuyên nghiệp toàn huyện đặng trang trí cho đẹp, cho oai. 
Công ty sản xuất linh kiện thiết bị xay tiêu giã tỏi cao cấp cũng phấn đấu sắm được mảnh chứng nhận chuẩn ISO trang trí cho cả phòng khách lẫn thanh thế công ty. 
Cô tình nhân, chiếc xe hơi, căn nhà, danh thiếp hay thậm chí mảnh bằng Gia đình Văn hóa giờ cũng được tận dụng làm đồ trang sức, để ca tụng (to và rõ) nhân thân lẫy lừng, bản lãnh tài ba của chủ nhân. Cộng đồng cùng nhau khoe sắc, trù phú thịnh vượng muôn nơi, ai cũng trội bật kiệt xuất, xã hội là cây thông Giáng-sinh với đủ lệ bộ đèn quả nhót lẫn trái châu, kim sa, hột bẹt,… 
Ngặt nỗi, trang sức có thật có giả. Có hàng độc bản cũng có hàng nhái. Nhân cách, gia sản, trình độ, đẳng cấp hay thậm chí nhan sắc cũng vậy. Cũng có thật có giả, cũng bắt chước hội đồng theo một nguyên mẫu dị biệt độc đáo nào đó. Nhẹ thì mượn xe dạo phố ra vẻ sang giàu, mở miệng nghe toàn hợp đồng nặng ký. Mấy cậu kép cô đào non, sang Tây dăm ba bữa cũng là du học. Mấy ông chủ hãng buôn củ kiệu dưa giá, hay chủ hãng XNK nồi gang chảo thiếc cũng đã thừa oai vệ chỉ thiếu phần duyên dáng, giờ chỉ ưng làm nhà văn hóa học, nhà hoạt động xã hội cộng đồng cho đỏm dáng với đời. Mấy cô hoa hậu cũng ráng sắm cho mình vài giọt nước mắt trong clip quay thăm trẻ cơ nhỡ kẻo không có lại thua chị kém em… Mà phàm mấy thứ này ra nắng hay qua một nước mồ hôi muối là xỉn màu kém sắc, chỉ còn nước mang ra cho trẻ nhỏ chơi nhà chòi là cùng. 
Rồi cũng có những yếu nhân chánh hiệu cùng nhân cách hay diện mạo trội bật (xuất chúng hoặc kì cục), như thể hàng nữ trang độc bản vậy, rất hiếm nên cực quý. Vậy là người ta coi được, thấy sao ráng làm giống vậy, tựa hồ mấy hột nhựa xanh xanh hình trái tim nhái theo viên kim cương trứ danh trong tuyệt phẩm cinema Titanic. Mấy đồ này rẻ rề, đeo vào mà tỏ lòng ái mộ, a dua theo nguyên bản duy nhất vậy. Giả như viên kim cương nọ có tri giác hẳn cũng chả lấy làm phiền mà còn thêm phần hãnh diện cho sự trội bật và giá trị huyền thoại của mình đã kiến tạo cả một trào lưu. Đó là đồ nhái. 
Cũng có kẻ đeo nữ trang giả, làm bộ danh giá sang cả để đi lừa người. Và cũng có dăm ông thày thuốc ham khuếch trương thanh thế, treo trưng bằng cấp để rồi do dốt do tham mà hại người. Hạng người này, dẫu trang sức của họ là đồ mỹ ký rẻ tiền hay mảnh bằng lộng khung kiếng, cùng là quân lừa đảo.
Đồ trang sức quý thì dễ dẫn lối phường trộm cướp. Kẻ gian hùng ngang nhiên giữa lộ đoạt đồ, quân bần hàn rình lúc vắng người mà thó của. Nhưng lại có kẻ chẳng màng chuyện bịt mặt đeo găng dàn cảnh trộm cướp chi mấy thứ đồ châu báu về sau chỉ có thể bán lấy tiền. Bọn này chả thiếu gì của nả tiền bạc, mà chỉ ham đắp đổi một chữ sĩ với đời.  
Chuyện xưa nay vẫn tỏ, có kẻ thừa tiền thiếu chữ, manh nha chuyện khoét vách nhà ông đồ chỉ để trộm lấy manh áo the cùng nghiên mực, rồi hỉ hả bận vô mình đi khắp cùng làng cuối xóm, phong mạo ung dung ra dáng bậc văn nhân, rảo được đến vòng thứ hai thì chính mình cũng đã kịp tin mình là bậc trí thức uyên thâm tột bậc.  
Phường trộm cướp bởi túng quẫn, cuỗm được của người chút món nữ trang nhằm lúc bị hô hoán có khi phải đòn đến chết. 
Than ôi, gã trọc phú vắn chữ nọ vẫn khoác áo văn nhân mà rảo cùng làng, thiên hạ xô ra, thấy kẻ giàu trúng gió cũng sang nên nức nở khen áo sao mà hợp, mà sang, mà tao nhã thế. Ông đồ già xúi quẩy biết tri hô cùng ai, kẻo quan quân dòm xuống thiên hạ ngó vô lại cười ông già lẩm cẩm, ai trộm cướp làm gì, sang cả quý hiếm gì, một manh áo văn nhân

nostalgia



Hà-nội,
ngày tôi đi... 
Chỉ còn nhớ mùi hoa nhài buổi sớm, 
long tong tiếng guốc ngoài sân gạch,
và chị tôi,
Tóc vấn trần vén lệch vành tai
Photobucket
Gần ba mươi năm,
em làm công dân thế giới
lớn lên từ bát xôi xéo gần nhà
Ấy cũng non ba thập kỷ,
Chị tôi vẫn nấu lá gội đầu
Rồi đau đáu chôn tóc xanh,
... chị đợi!
Photobucket
Ba mươi năm,
Phố cổ làm du lịch,
Chị tôi tóc vẫn vấn trần.
Hàng phố giờ gọi chị là nữ hoàng ngớ ngẩn
Ngạo nghễ thiết triều trên di tích hoàng cung
Photobucket
Ba mươi năm,
em vẫn hay gọi "Chị ơi!"
Khi nhác thấy lưng áo dài trên phố
(thời nay, chị biết không, Lê Phổ cùng Le Mur đâu còn tân thời nữa)
Tiếc mãi dáng lưng ong
em ngẩn ngơ,
chấp chới
níu đôi tà.
Photobucket
Ba mươi năm,
em vẫn thầm gọi "Chị ơi!"
mỗi khi giữa tiết trời đông
hơi thở dài thoảng mùi như hoa sữa
Tiệm sách cũ biết giờ còn mở cửa
Kẻo vàng hương lẩn thẩn, chị lại thở dài
xót chút tàn
văn hiến Tràng-an
Photobucket
Ba mươi năm có lẻ,
Tất tưởi,
Em chạy về tìm chị của riêng em
(hay em về tìm em, chả rõ)
Quên vị kem bờ hồ
cũng chẳng còn đâu lanh canh tàu điện
Hiệu áo cánh giờ bày bán đồ chơi Trung - Quốc
Va phải màu sơn xanh balcon sắt cuốn
Đau đáu
vói nhìn,
Em thê thiết gọi:
"Chị ơi!"
Photobucket
Rồi thì,
em vẫn gặp chị đấy thôi
lúc này, lúc kia trên phố
Kim anh trang đài một thuở
rồi chắc cũng lạnh lùng, lạ lẫm lúc sang thu.
Giữa phấn sáp của văn minh, tân kỳ cùng Âu hóa
Photobucket
Rồi thì,
em vẫn gọi "Chị ơi!"
Sau mỗi khóe tai vén lệch
tóc vấn trần
 
Hoài Anh
 
(Bài thơ này nguyên bản được chép tay, gửi tặng em Quý-Phương – thư ký tòa soạn tạp chí Tinh-Hoa, như một lời xin lỗi vì đã vô tình ra lời thóa mạ quốc sỉ khi cùng em đứng trước tàn tích hoang phế của một tòa biệt thự cổ. Lời xin lỗi và trân trọng trước cơn giận của em, cũng là lời trần tình cho cơn giận riêng tôi – tôi ái quốc, theo cách của riêng tôi, dẫu có lần tỏ ra khinh suất trong cực đoan duy mỹ.
Về sau em chọn đăng làm text cho chính bộ ảnh Hanoi Daily tôi làm stylist đợt ấy, bên trong có hình ảnh ngôi nhà cổ đã nhắc ở trên.
Lấy cảm xúc bởi một lần trà dư tửu hậu với Hoàng Thành – gã bạn gai góc lấc cấc Hà-nội, cùng tôi một lần tiếc tưởng hương hỏa đất thanh lịch Tràng-an.)
 Photography project: Hanoi Daily for Tinh Hoa Magazine
Photographer: Thiện Hoàng
Model: Minh Châu
Stylist: Hoài-anh
Text by Hoài-anh

Trích thư từ chia sẻ với Hà-nội Xanh về ký ức Hà-nội và kỷ niệm về bộ ảnh và bài thơ:

Hồi xưa, (ôi, giá như tôi sinh ra và sống thật nhiều trong cái “hồi xưa” ấy!) người Việt ta lành lắm. Phàm tự tâm, thời đại nào chả có vài thằng ác, đứa gian, ấy nhưng cái lời lẽ chu chuẩn “dạ, thưa”, kẻ có học, người trí thức được trọng thị, luôn gọi là “thầy” là “cô”. Kỹ lưỡng ra, phải tùy tuổi, coi phụ nữ có chồng thì trọng vọng gọi là “bà”. Đàn bà con gái nước ta, động ra đến mặt đường, phải o hàng xén cũng tong tả vạt áo dài, về sau các bà các cô đài các ra đường, tóc uốn điện, giày cao gót tay xách bóp đầm, cũng một bề áo dài nhưng cũng tân tiến lắm, cũng tây lắm, mà vẫn mồn một cái đài các thanh tú đàn bà nước Nam.
Cái ngày xưa của nước Việt ấy, thực dân đế quốc có án bề bề giữa lộ, có văn minh âu hóa tới đâu, mấy thầy thông cô ký có làm sở Tây sở Mỹ, vẫn tròn vành rõ chữ tiếng nước nhà.
Cái ngày xưa của nước Việt ấy, trò nhỏ lên lớp trên dẫu có được xưng “tôi”, được kêu bằng “anh”, bằng “chị”, vẫn nhu nhã cái nếp cúi đầu khoanh tay thưa gửi, vẫn nền nã ấp e tấm áo cánh che đậy làn da con gái sau một lượt áo dài, cặp táp ấp ngang ngực ấy là ý tứ giấu đi phù hiệu thêu trên ngực hòng tránh chuyện bị dõi theo chòng ghẹo.
Cái ngày xưa nước Việt, gia phong ngay giữa đô thành cũng không quên cái lễ khi khách, dẫu thân sơ, sang thì chung trà mà dẫu nghèo cũng ly nước. Bàn thờ ông bà cha mẹ nằm ngay gian chính điện cho ấm cúng gia trang. Ngày xưa ấy, lưu vết đến nay, ngay dưới ngưỡng cửa, đoạn ngay thềm, là thanh gỗ (nay mấy gian cổ tự Hội an vẫn còn, nước lên đen bóng), chả phải gia chủ cắc cớ đùa dai gạt giò khách lạ, cũng không phải chuyện ngăn chuột chống mèo, mà đơn thuần ấy là cái lẽ: Phàm viễn khách đáo gia, bước vào là đối diện ngay bàn thờ song thân phụ mẫu chủ nhà, dẫu muốn dẫu không, dẫu phương xa khó lòng rành rẽ tập quán bản xứ, âu cũng phải tòng nếp mà cúi đầu lúc bước vô. Kẻ hậu sanh khi nghe kể, ngộ ra chuyện này mà tấm tắc khen tiền nhân rằng sao hay, sao mà ý tứ, và sao mà kiêu hãnh thế từ gia phong cho chí quốc sỉ!
 
Có bận năm rồi về Hà-nội viết bài và làm bộ ảnh, do có lần đướng trước cổ tự điêu tàn, xót ruột mà bật ra mấy lời tiếng ngoại quốc nhiếc trách dân cư ngụ, do dốt mà thành ác. Có người bạn nghe được (bạn này là thư ký biên tập bên tạp chí nhà), giận lắm, về sau có nói lại rằng “Cái sĩ của dân mình, có đau có giận cũng không phải để mang ra bỉ bai cùng người ngoại bang. Có giận có đau, thì phải viết, viết bằng tiếng nước nhà, viết cho dân mình đọc, đặng hiểu, đặng sửa sai cảnh tỉnh, chớ đâu có lối phủ nhận riềng mối máu đỏ da vàng mà quay lưng lại, khác gì kẻ thiển cận mọn tài đứng bất lực khoanh tay oán trách thời cuộc!”. Nghe xong, thấy mình sai, phần vì phục người đồng nghiệp nhỏ tuổi mà rất khéo…gạ bài, nên trong đêm viết bài này làm text cho bộ ảnh nọ, cũng xem là một lời tạ lỗi, phân minh
 
Ba tôi người Huế, mẹ là con gái Hà nội. Tôi sanh ra ở cố đô Huế nhưng lớn lên ở Sài-thành, giữa hai khoảng giai đoạn ấy là những mảnh ký ức mỏng tang của những năm đầu đời, khi nhà tôi ra Hà-nội ở (ắt để mẹ tôi ở gần bà ngoại, cũng vì công việc của ông thân tôi khi ấy). Những mảnh ghép mong manh mập mờ mùi hoa nhài nhà ngoại tôi ở Lý Thường Kiệt, có cái cầu thang gỗ mà tôi mỗi lần nhìn thấy lại rất sợ, vì thấy nó to to, tối tối…ang ác, có màu xanh của balcon sắt uốn như tấm ren tinh xảo trên mấy căn nhà thời Pháp. Tôi mang máng nhớ những khi ba tôi cõng tôi lên vai tản bộ ra cái mà tôi gọi là “công viên con cóc” (ắt hẳn nhà tôi xưa phải gần đây lắm do trong kí ức của tôi, ba đã cõng tôi đi bộ suốt ra đến công viên). Trong những nhập nhằng hồi tưởng ấy, là đoạn đê đường Thanh Niên mà với một đứa trẻ như tôi khi ấy, là cả một cái đồi cỏ thoai thoải thênh thang, một bên là cỏ xanh và gió se se, phía bên kia là dãy tường ố vàng của dãy nhà to trông buồn, già và u uất. Hà-nội của tôi còn là bát bún ốc nước trong vị thanh thanh nhẹ nhõm, quả cả muối đến rúm ró quăn queo mà đậm đà đến tận chân tóc, cốc đỗ đen không có cái ngọt hào sảng đến dư dật của chè miền Nam, mà thanh như tiếng, như người, như trời Hà-nội.
Về sau, khi lên concept cho bộ hình Hanoi Daily và viết bài thơ Nostalgia (lấy làm thớ lợ lắm cách bày tựa nạc mỡ của mình, nhưng tại thói quen chọn ngay từ đầu tiên đến trong đầu làm tựa, về sau được tòa báo sửa lại thành Chị Tôi, nghe giống tựa bài ca, nhưng thôi kệ!), tôi vẫn thắc thỏm nhắc nhớ lại hết những hình ảnh quá vãng ấy.
3 tuổi, tôi lớn lên làm con gái Sài-gòn nhưng có cái biệt tài tùy người đối diện mà dùng giọng Bắc, giọng Nam bộ hay giọng Huế, cái nào cũng lơ lớ, lai lai, nhưng được cái về chốn nào nơi 3 thành phố lớn cũng dễ bề hòa hợp mà nhập gia.
Ấy nhưng lần nào cũng vậy, ra Bắc công tác cũng chỉ được dăm ba hôm, khi về vẫn nắc nỏm thòm thèm bởi nỗi chưa được ngụp lặn cho thỏa trong cái không khí vừa quen vừa lạ ấy, chưa có buổi rảnh rang mà tìm ghé qua coi thử chốn xưa liệu còn nhắc nhớ gì không những mảnh mỏng tang kí ức tôi ép kỹ trong tiềm thức thiếu thời. Hà-nội vẫn “sống” quá, trôi nhanh và ồn ào, không dừng lại cho tôi được ngắm kỹ đặng mỏi mòn tìm nét thân quen. Vậy nên, mỗi bận về, lòng lại càng đòi đoạn cơn hoài cố, nhớ lại càng nhớ thêm.
Rồi mãi cho đến về sau, được vời về làm cho một tạp chí tại Hà-nội, nhờ cái duyên may được ban biên tập cưng chiều trọng dụng, lại nhiều việc cậy nhờ nên có lắm dịp được lưu lại khá lâu, thậm chí có lần còn được mời cân nhắc chuyện chuyển hẳn ra Bắc để tiện cho công việc.
Nhớ lần chụp bộ ảnh Hanoi Daily, tôi tham lam với ước nguyện chả gì hơn là hối hả tom góp lại những nét còn nét mất, cậy nhờ kỹ thuật nhiếp ảnh tân kỳ, hòng mong lưu giữ lại cho kịp, kẻo nuối tiếc khi về sau mai một.
Một kỷ niệm không quên của chuyến làm ảnh lần ấy là chuyện về chiếc áo cánh. Thương tiếc cái duyên nền nã, kín đáo của chiếc áo cánh bằng phin nõn mà mẹ tôi kể lại rằng bà ngoại vẫn khâu tay cho các con gái. Vậy mà giữa lòng Hà-nội, tôi mất trắng một ngày ròng mải miết tìm nơi mua chiếc áo cánh phin nõn. Đến được địa chỉ có người tốt bụng mách cho thì đã tự khi nào là cửa tiệm bán đồ chơi Tàu cho nít nhỏ. Cùng đường, hỏi liều bà chủ nhà, nghe từ “áo cánh”, bà “scan” tôi từ đầu dưới chân như nhìn một con nhỏ hoặc là “ở bển mới về, trển mới xuống” hay “ở dưới mới lên”, hoặc tệ hơn là “ở trỏng (nhà thương) mới ra”. Tôi cảm ơn (?) và đi ra sau lời mắng “Ăn mặc như dân Sài-gòn mà hỏi lạ thế?”
Chuyện thứ hai là việc quyết định về kiểu tóc. Tôi khăng khăng muốn được nhìn lại cái gáy cong, cái khóe tai trang nhã sau nét tóc vấn trần kiểu cách ngày xưa, nhưng không một hair stylist nào của Hà-nội làm tôi hài lòng. Chỉ đến buổi sáng cuối cùng, may mắn cậy được người chuyên hóa trang của hãng phim đến làm tóc cho cô minh tinh Minh-Châu, tôi đành phải ngậm ngùi chấp nhận.
Dự tính chuyển đổi phương án tóc sang lối bánh bẻ. Lại hàng chục cú điện thoại, những chuyến đi tận mọi ngõ ngách Hà-thành, được cái được tòa soạn cưng chiều nên tôi huy động mọi anh em trong tòa soạn cùng tham gia vào cuộc “truy tìm hiện vật” rầm rộ và quy mô. Nhưng mọi cố gắng đều đã không tìm ra được cho tôi một chiếc cặp ba lá. Chỉ một chiếc cặp ba lá.
Than ôi Tràng-an thanh tú trong tôi, giờ phải chăng chỉ còn là hiện vật, là lớp hóa trang giả hiệu vụng về, là giả cách ngô nghê mất gốc?
Tôi ra về với một nỗi sợ, mỏng tang như những ký ức thiếu thời của mình vậy, rằng đã có một điều gì đó, nhỏ thôi, đã mất đi trước khi tôi kịp sờ tay vào, được ướm thử lên người cái cảm giác “hè thì mát, đông lại ấm áp” như mẹ tôi từng kể. Một điều gì đó, nhỏ thôi, như bàn tay bà tôi thoăn thoắt vấn lượt tóc nuột nà quanh đầu, nửa dung dị nửa trang đài. Hay thậm chí chỉ mấy lá nhôm lá thép kẹp lấy mái tóc đàn bà con gái cho chân phương kẻ chỉ…
 Tôi muộn rồi chăng?
 Vồ vập ôm vào lòng, những muốn biến thành của riêng để ấp yêu bảo vệ, tôi đặt để vào đấy hình ảnh vườn hoa con cóc, cái mũ cối bộ đội, nét tóc bánh bẻ, vấn trần duyên dáng ngày xưa, cái phối màu ố của tường vàng và xanh xỉn của balcon sắt, cái mùi giấy của hiệu sách cũ ọp ẹp thiếu sáng, cả cái huy hoàng quá lứa của một Hà-nội đang mất dần, loãng dần, ô tạp dần. Tôi thiết tha níu giữ trong ngậm ngùi thực tế của thời gian và thời cuộc
 Có ai đi giữa lòng kinh đô văn hiến, ngậm ngùi nhìn một tòa lầu dãy chết trong một nhan sắc đã từng hoàng kim nay hoang phế đến rợn người?
 Có ai đi giữa lòng Hà-thành, đã bao giờ chợt muốn thắp một nén nhang cho một ngôi cổ tự?
 Có ai đi giữa lòng Hà-thành, chợt muốn hét lên kêu cứu?

Y-phục Xứng Kỳ-đức


 .
  Người ta có rất nhiều lí do để …mặc quần áo
Trong bản chất tính năng trang phục, quần áo bao phủ làn da mỏng manh của con người bằng một lớp chất liệu gia cố để hỗ trợ giữ thân nhiệt cho cơ thể, để bảo bọc, che chắn cho cơ quan xúc giác khỏi những thương tổn do tiếp xúc với môi trường bên ngoài. 
e8a9
Rồi một vị tộc trưởng một bộ lạc nguyên thủy nào đó cậy khỏe, cậy tài săn thú mà được phần miếng vỏ cây, mảnh da thú dày nhất, to nhất. 
Các chiến binh đeo thêm vào người lủng củng chuông đá lục lạc đồng để gióng khua cho khiếp vía địch thủ, lại vẽ màu cắm lông khắp mặt, hình hài càng muôn phần bặm trợn cho dễ bề thị uy. 
Phụ nữ, thì không can dự vào phần thiên chức săn bắt hay bảo vệ - họ phải chửa đẻ, càng nhiều càng tốt (để dành đi săn bắt, đánh nhau và chửa đẻ về sau cho bộ lạc). Để thoả mãn thiên chức này, họ cần làm cho mình có bộ dạng thật ưa nhìn, bắt mắt, để dễ bề chiêu dụ đối tác đặng hoàn thiện thiên chức(!)
 Có lẽ các vị tổ tiên nữ của chúng ta đã nghiệm được rằng: người đàn bà trước và sau khi đeo hoa tai đều có khả năng sinh nở như nhau, nhưng người đàn bà có đôi hoa tai, và trên hết, là ý thức đeo đôi hoa tai ấy lại có tỉ lệ được hỗ trợ hoàn thiện chức năng cao hơn?  
Từ nhu cầu và động thái này mà thành khái niệm ngôn ngữ trang phục: tôi giàu, tôi khoẻ, tôi có quyền lực, tôi khả ái – thì tôi mặc như thế, hoặc ngược lại. Đến đây, ngoài chức năng cơ bản của trang phục, con người ta bắt đầu có khái niệm chọn lựa trang phục để chuyển tải thông điệp của bản thân. Và từ đấy, các nhà thiết kế, các hãng thời trang, đại diện quảng cáo và các người mẫu bắt đầu có công ăn việc làm và rất khá.
contemporary adNhững nhân vật ưu tú ăn bận đẹp nói trên, từ rày về sau được gọi là VIP, là yếu nhân, là người của công chúng. Họ là chính khách, doanh gia, các nhà văn hoá, nghệ sĩ,… Chả vì chỉ cậy mạnh (khối vị trong số này, nhất là nghệ sĩ, thì không to khoẻ như tổ tiên nguyên thủy của VIP), họ có tài năng, thành đạt, thông minh mẫn tiệp,… ở mức độ xuất chúng, trên mức bình thường nên mới được nhiều người biết đến, đặc biệt với sự có mặt của phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, càng khiến họ được biết đến nhiều hơn, không chỉ trong bộ tộc của mình mà vươn đến cả các bộ tộc (thời nay là quốc gia, lục địa,..) khác.
emperor family Các vị này, do tính trội bật của tài năng, cá tính và số phận nên cũng có những sở thích, quan niệm thẩm mỹ độc lập, đặc sắc và trội bật nên có được cho mình những gout ăn mặc cũng vô cùng trội bật, khác biệt. Mỗi người mỗi kiểu, họ là những trend-setters -  những hình mẫu về phong cách trong giới hay lãnh vực riêng của mình. Nhưng vẫn luôn có một điểm chung trong nguyên tắc phục trang của các yếu nhân đa dạng này. 
Như lời nói hay tiếng nói vậy. Nội dung điều muốn nói, thông điệp chuyển tải mang tính chủ quan, đó là điều chủ thể muốn thể hiện. Nhưng để thông điệp được tiếp nhận chuẩn xác và hiệu quả, người ta bắt đầu cân nhắc đến giọng nói và lời nói. Giọng phải dễ nghe, to nhỏ tuỳ hoàn cảnh không gian, giận thì gằn giọng, yêu thương thì ngân nga, thì thào, sì sụp,…rồi lời nói, người trên thì xưng “ông, bà, cô, chị,…”, kẻ dưới thì xưng “con, em, cháu…”, nói với kẻ hèn thì lời trịch thượng, với người sang thì từ ngữ trau chuốt văn hoa,…Và hẳn nhiên, nói với người Việt thì bằng tiếng Việt, với người Hoa thì chớ dùng tiếng xứ Angola. Điều này, ai cũng hiểu.
 Nói cho thích miệng mình, nói mà không ai nghe, là nói lảm nhảm với đầu gối.
Mặc cho sướng thân ta, mặc mà không ai coi, xem như là mặc nhảm vậy.
Nói, hay mặc, mà cân nhắc được đến độ này, ấy là xây dựng Giá-trị Nhận-dạng.
3_07_vietnamiennes
Cân nhắc lựa chọn tư phong, trang phục ở mức ấy, như thể là một môn nghệ thuật mà ở đó, hình ảnh cá nhân là tác phẩm, và con người ta là một nghệ sĩ: tác phẩm là hiện thân của tác giả. Tác phẩm thì có đẹp có xấu, cái coi thì hiểu, cái ngó vô thấy chướng. Mặc mà không ai coi, coi vô không biết ta thuộc loại người nào, là tác giả còn non tay, thiếu kinh nghiệm hoặc lập dị. Mặc mà cộng đồng xung quanh coi vô thấy cổ quái, xa lạ, còn nguy hiểm hơn nhiều, vì nó như ông Tây giữa xứ ta, nói chuyện không ai hiểu, nên mới có rào cản ngôn ngữ. Ở đây, đó là rào cản hình thức. Như thể đi cứu trợ từ thiện mà mặc áo dài dạ hội. Nếu chỉ vì tôi giàu, tôi đẹp, tôi quan trọng, tôi ưng bộ cánh nhà Cavalli dài quá xương chậu mà đi dự cuộc họp tổ dân phố bàn chuyện úy lạo chiến dịch phát quang diệt muỗi tại địa bàn dân cư, thì quả bậy bạ hết sức!
wth
 Hậu quả là bị cô lập, đào thải, hoặc thậm chí tẩy chay.
 Chuyện này không mới. Có ai chưa nghe câu “Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”? Cà sa năm ba bảy loại, nhà giàu mặc gấm, nhà nghèo chỉ vải thô, phụ nữ có chít pence, thắt nơ, to béo thì may rộng, trời rét thì vải dày, trời oi bận vải mỏng…nhưng đã là đi với bụt, làm chi thì làm, ấy hẵng là cái cà sa. Không phải vì ta, mà vì bụt, và bụt là đối tượng của ta, đáng được cân nhắc lắm!

 Chắc không ai không nhớ bức ảnh tập thể đầy ấn tượng của các vị nguyên thủ quốc gia hồi hội nghị Apec tại Việt Nam (họ là yếu nhân cả đấy!) chụp chung, đạo mạo lịch thiệp, và tất cả đều vận áo dài khăn đóng. Họ ở nhà ta, họ mặc áo theo lối dân ta, khá khen cho người thiệp liệp giỏi giang, khéo theo thời theo thế mà ăn vận, đẹp lòng dân tình nước chủ nhà biết bao. Chả thế, họ mới là những yếu nhân đứng đầu các quốc gia.
Photobucket 
Photobucket Mà đâu chỉ các vị chính khách lão luyện chuyện uyên thâm mới ngộ được điều này. Thần đồng văn chương xứ cờ hoa mới 9 tuổi Adora Svitak cũng ngộ được mười mươi chân lý này. Vị đại sứ nhỏ này đã lưu lại trong lòng công chúng Việt hình ảnh của mình luôn trong bộ áo dài, khi thiên thanh, lúc xanh ngọc, với chuỗi ngọc trai thanh nhã quanh cổ, cô chinh phục trái tim công chúng ngay từ trước khi kịp mở miệng thi triển tài thuyết văn mạch lạc uyên bác so với tuổi. Mà chiếc áo dài ấy lại được may mới khéo, rõ là hợp với cô lắm, không chít pence nâng ngực tà dài kiểu người mẫu, nói chung, nó hoàn toàn hợp với tuổi cô, và công chúng của cô, môi trường quanh cô (khi ấy là Việt Nam). Cô nhỏ này, không chỉ nhờ cuốn Flying Fingers và tài năng văn học của mình mà sẽ còn thành công trong tương lai là còn nhờ vào bản lãnh ứng xử bằng ý thức xứng danh “người của công chúng” thực thụ.
 Chỉ hơi chạnh lòng một nỗi, trong các buổi giao lưu cùng bạn bè đồng tuế ở xứ Việt, hầu như Adora luôn là nhân vật duy nhất mặc chiếc áo dài trẻ em, học sinh nước ta mặc đồng phục theo kiểu Âu hoá với jupe xoè, quần Tây,…Thiếu nhi ta, trông thật năng động, hiện đại, trông Tây lắm!
(Đôi lời lạm bàn cùng quý vị độc giả nào đương giữ chức vụ nào đó trong ngành dạy trẻ: Nhà trường là nơi con người ta được giáo dục sao cho có văn hoá và ý thức rồi mới đến kiến thức và kỹ năng (tiên học lễ hậu học văn, phải không ạ?). Kính mong quý vị tận tình chỉ bảo các trò nhỏ nước nhà được dịp hội nhập với văn hoá mặc, văn hoá hành vi của tổ tiên nhà, bên cạnh ngoại ngữ và vi tính. Hoặc giả, những dịp được giao lưu cùng những vị khách như cháu Adora Svitak vậy chắc cũng có tác dụng làm gương, nhắc nhở và cảnh tĩnh. Cảnh tĩnh tự tôn và sĩ diện, rất tốt! Mong sẽ còn nhiều dịp như vậy!)
lady ad
 Đến đây, người viết - kẻ lẩm cẩm hoài cổ đang quấy quả quý vị lướt blog gia, lại muốn hầu tiếp qúy vị một câu chuyện (tôi hứa là không xưa bằng câu chuyện đã kể lúc đầu), đã được nhà thiết kế - họa sĩ Sĩ Hoàng kể cho nghe khi gặp ông thỉnh ý viết bài. Chuyện như vầy: ngày xưa, ông bà ta cũng cầu kì chuyện ăn bận lắm. Nhà giàu thì năm thân, mớ ba mớ bảy, dân dã thì tứ thân nâu sồng. Mà đã nghèo thì phải làm lụng vất vả, các bà các chị quang gánh quầy quả trên vai mãi, vải sờn và đương nhiên là rách vai. “Nghèo” mà không “thảm”, có “rách” cũng không được “nát”, không cam miếng vá đắp chằng đụp, mà chả đủ tiền mua vải may cả bộ cánh mới, các bà, các chị mua về vuông vải nhỏ mà may lại thân áo nối vào thay cho phần đã sờn rách. Từ đấy mà thành kiểu áo tứ thân đổi vai. Ngày nay ta vẫn thấy các đoàn văn công, các vũ đoàn minh hoạ mỗi khi bận tứ thân thường có hai mảnh áo trên hai màu sặc sỡ khác nhau. Ấy là kiểu tứ thân đổi vai ngày xưa mà thành. Dân ta sĩ diện lắm, ấy là danh dự của bản thân, của gia đình, dòng tộc,… Âu cũng là một cách mặc “vì người, xứng ta” vậy!
Thế mới tường chuyện vì sao chỉ quần quần áo áo mà thành một thứ văn hoá: văn hoá mặc!
teacher 
Phong-Vũ